Vì sao TPHCM chỉ đạo khẩn triển khai quy trình báo động đỏ sốt xuất huyết?

Hoàng Lê

(Dân trí) - Sở Y tế TPHCM cho biết đã tổ chức 13 buổi họp rút kinh nghiệm về các trường hợp tử vong trước khi ra văn bản khẩn triển khai quy trình báo động đỏ với bệnh nhân sốt xuất huyết cho tất cả bệnh viện.

Theo văn bản khẩn do ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM ký ban hành ngày 19/10, thời gian vừa qua, Sở Y tế đã tổ chức 13 buổi họp rút kinh nghiệm quá trình tiếp nhận, chăm sóc, điều trị các trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết Dengue (SXHD) trên địa bàn.

Sau khi xem xét, phân tích các dữ liệu trên hồ sơ bệnh án và tổng hợp ý kiến các chuyên gia, Sở Y tế nhận thấy việc phối hợp hội chẩn liên viện hiệu quả và chuyển viện an toàn là một trong những giải pháp quan trọng để giảm tử vong đến mức thấp nhất.

Vì sao TPHCM chỉ đạo khẩn triển khai quy trình báo động đỏ sốt xuất huyết? - 1

Phụ huynh chăm trẻ điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Do đó, Sở Y tế đề nghị các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn TPHCM nghiêm túc khẩn trương triển khai thực hiện 2 nội dung.

Thứ nhất, tuyệt đối tuân thủ chỉ định trong của Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị SXHD do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành năm 2019. Thứ hai, tuyệt đối tuân thủ phân tầng quản lý điều trị người bệnh SXHD của Sở Y tế, tuân thủ nguyên tắc phối hợp giữa các tầng, đảm bảo chuyển viện an toàn, người bệnh tiếp tục được cấp cứu kịp thời ở tầng sau.

Khi người bệnh SXHD nặng trong tình trạng nguy kịch, có nguy cơ đe dọa tính mạng, cơ sở y tế phải kích hoạt quy trình báo động đỏ đối với người bệnh SXHD nội viện hoặc liên viện, để kịp thời cấp cứu người bệnh.

Quy trình báo động đỏ sẽ được kích hoạt khi có một trong các điều kiện:

- Người bệnh ngưng tim ngưng thở đột ngột.

- Người bệnh nặng có suy hô hấp, suy tuần hoàn nhưng không thể tiếp cận đường thở/mạch máu.

- Người bệnh nặng không đáp ứng điều trị hồi sức tích cực hoặc vượt khả năng điều trị nhưng không thể chuyển viện an toàn.

- Người bệnh SXHD nặng có xuất huyết trong tình trạng nguy kịch, không đáp ứng điều trị nội khoa (truyền dịch, truyền máu và các chế phẩm máu), cần phải can thiệp cầm máu khẩn cấp nhưng ngoài khả năng của bệnh viện và có nguy cơ tử vong nếu chuyển viện.

Vì sao TPHCM chỉ đạo khẩn triển khai quy trình báo động đỏ sốt xuất huyết? - 2

Nhân viên y tế Bệnh viện Nhi đồng 2 chăm sóc trẻ nhiễm sốt xuất huyết (Ảnh: Hoàng Lê).

Sở Y tế TPHCM lưu ý, tùy tình huống và năng lực điều trị của bệnh viện để kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện hoặc liên viện, hoặc cả 2. Khi người bệnh SXHD có đủ tiêu chuẩn báo động đỏ, bệnh viện kích hoạt quy trình báo động đỏ trong 3 tình huống.

Tình huống 1: Bệnh viện tầng 3 có đủ khả năng xử trí theo quy trình báo động đỏ nội viện, không cần sự hỗ trợ từ các chuyên khoa của các bệnh viện khác.

Tình huống 2: Bệnh viện tầng 2 hoặc tầng 3 có khả năng xử trí tại chỗ nhưng cần sự hỗ trợ khẩn cấp tiếp theo từ các chuyên khoa của các bệnh viện khác.

Tình huống 3: Bệnh viện tầng 1 hoặc tầng 2 không đủ khả năng xử trí tại chỗ và cần sự hỗ trợ khẩn cấp hoàn toàn từ các chuyên khoa của các bệnh viện khác.

Sở Y tế TPHCM khuyến cáo, trong quá trình thực hiện báo động đỏ, trước khi can thiệp phẫu thuật hoặc truyền máu khẩn cấp, toàn bộ ê-kíp cấp cứu, phẫu thuật, ngân hàng máu... cần tiến hành hội chẩn nhanh về chỉ định phẫu thuật, phương pháp phẫu thuật, chỉ định truyền máu và nhóm máu có thể sử dụng. Nội dung hội chẩn phải được thể hiện lại bằng biên bản hội chẩn.

Tính đến tuần 41, TPHCM ghi nhận hơn 64.400 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng hơn 627% với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, số ca sốt xuất huyết nặng là hơn 1.400 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca mắc sốt xuất huyết đến tuần 41.

Trong tuần 40, TPHCM ghi nhận báo cáo bổ sung 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết tại huyện Bình Chánh. Tổng số ca tử vong từ đầu năm đến nay là 26 trường hợp, tăng 21 ca so với cùng kỳ năm 2021.