Hà Nội: Người đàn ông tiểu cầu về "0", chảy máu không cầm vì sốt xuất huyết
(Dân trí) - Bước sang ngày thứ 5 của bệnh, bệnh nhân chảy máu nhiều ở vùng răng và chảy máu ở vùng chân bị sùi không cầm được, nên được đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Xuất hiện các triệu chứng sốt, gai rét, mệt mỏi nhưng vì nghĩ chỉ là bệnh thông thường, ông N.Đ.T., 57 tuổi, sống tại Thanh Oai, Hà Nội không đến viện khám mà tự điều trị tại nhà.
Tuy nhiên, bước sang ngày thứ 5 của bệnh, ông T. chảy máu nhiều ở vùng răng và chảy máu ở vùng chân bị sùi (ông T. có bệnh nền gút mãn tính) không cầm được, nên được đưa đến bệnh viện huyện.
Đáng chú ý, qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện tiểu cầu của ông T. về mức 0 (không đo được). Ông T. được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết và được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Đống Đa.
Theo ThS.BS Hà Huy Tình, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội), số lượng tiểu cầu trung bình của một người khỏe mạnh là từ 150 - 450G/L; mức nguy hiểm khi tiểu cầu giảm dưới 50G/L; mức nghiêm trọng là 10 - 20G/L.
"Tiểu cầu là một trong những yếu tố chính về đông máu. Bệnh nhân bị giảm tiểu cầu, đặc biệt là xuống mức không đo được như trường hợp này sẽ rất dễ bị chảy máu không cầm được. Bên cạnh chảy máu ngoài da, trong trường hợp nặng, bệnh nhân có thể xuất huyết não, xuất huyết nội tạng và nguy hiểm đến tính mạng", BS Tình cho hay.
Cũng theo chuyên gia này, trong suốt đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết vừa qua, những trường hợp tiểu cầu giảm xuống mức 1 - 5G/L là không hề hiếm. Tuy nhiên, bệnh nhân có tiểu cầu hạ về mức không đo được như ca bệnh này là lần đầu gặp.
Ngay sau khi nhập viện, ông T. được nhanh chóng truyền tiểu cầu kèm theo truyền dịch, dùng thuốc cầm máu, dùng thuốc bổ gan (bệnh nhân có bệnh nền về gan).
Sau gần một tuần điều trị, tiểu cầu của ông T. về mức bình thường:146G/L, tình trạng sức khỏe ổn định nên được xuất viện
BS Tình cảnh báo, ngày thứ 4 - 7 của bệnh sốt xuất huyết là giai đoạn nguy hiểm, bệnh nhân có thể đối mặt với nhiều biến chứng, đặc biệt là giảm tiểu cầu.
Thời gian vừa quan, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa tiếp nhận nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết tự điều trị tại nhà sau đó phải nhập viện khẩn cấp vì tình trạng cô đặc máu, giảm tiểu cầu. Đáng chú ý trong số này có cả các bệnh nhân trẻ tuổi, không có bệnh nền.
Ở thời điểm hiện tại, Khoa Các bệnh Nhiệt đới đang theo dõi, điều trị cho 51 bệnh nhân sốt xuất huyết. Ngoài ra, còn có hơn 30 bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm khác như Covid-19, viêm gan, HIV, cúm đang điều trị tại cơ sở này.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, chỉ trong một tuần vừa qua, Thủ đô đã có thêm 1.034 ca mắc sốt xuất huyết. Bệnh nhân ghi nhận tại 30 quận/huyện/thị xã; trong đó bệnh nhân tập trung chủ yếu tại một số quận huyện như: Đan Phượng (137), Thường Tín (78), Thanh Oai (70), Nam Từ Liêm (61). Hiện trên địa bàn Hà Nội có 147 ổ dịch đang hoạt động, tại 24 quận, huyện.
Các triệu chứng cảnh báo nguy hiểm của sốt xuất huyết
Theo TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, bệnh nhân sốt xuất huyết cần đến viện thăm khám nếu xuất hiện các triệu chứng sau:
- Người bệnh thấy khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt.
- Không ăn, uống được.
- Nôn ói nhiều.
- Đau bụng nhiều.
- Tay chân lạnh, ẩm.
- Mệt lả, bứt rứt.
- Chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo.
- Không tiểu trên 6 giờ.
- Biểu hiện hành vi thay đổi như lú lẫn, tăng kích thích, vật vã hoặc li bì.
- Khó thở.