Vì sao thanh thiếu niên cần tiêm nhắc ngừa bạch hầu - ho gà - uốn ván?
(Dân trí) - Bước vào độ tuổi thanh thiếu niên (9-15 tuổi), kháng thể ngừa bạch hầu - uốn ván - ho gà có được từ những mũi tiêm lúc nhỏ đã giảm, khiến nhóm tuổi này có nguy cơ mắc bệnh cao.
Bạch hầu, uốn ván, ho gà là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trong đó bạch hầu và ho gà là những bệnh lây lan nhanh qua đường hô hấp và có thể gây tử vong.
Bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván ở thanh thiếu niên
Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, gây ra bởi vi khuẩn bạch hầu, biểu hiện lâm sàng thường gặp là giả mạc vùng amidan và thanh quản. Bệnh gây ra các biến chứng nguy hiểm như tắc nghẽn đường hô hấp, viêm phổi, viêm dây thần kinh, viêm cơ tim, viêm đa dây thần kinh, hoại tử ống thận và có thể gây tử vong. Theo Báo cáo tổng kết công tác Tiêm chủng mở rộng năm 2019, trong đợt dịch bạch hầu bùng phát ở Tây Nguyên năm 2019-2020, có đến gần 90% ca mắc bệnh rơi vào nhóm trẻ trên 5 tuổi, đặc biệt là thanh thiếu niên từ 10-14 tuổi.
Còn ho gà là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính gây ra bởi vi khuẩn Bordetella pertussis, lây truyền nhanh qua đường hô hấp (1 người có thể lây cho 10-17 người). Biểu hiện lâm sàng của bệnh là những cơn ho dữ dội, gây nhiều biến chứng như viêm phổi, ngưng thở, ăn uống kém, co giật… và có thể dẫn đến tử vong. Theo các nghiên cứu, trẻ thanh thiếu niên khi nhiễm bệnh thường nghỉ học trung bình 5,5 ngày và có thể có rối loạn giấc ngủ trong 2 tuần. Hơn thế nữa, thanh thiếu niên và người lớn nếu nhiễm khuẩn ho gà nhưng không được phát hiện hoặc không được điều trị sẽ trở thành nguồn lây cho các đối tượng nguy cơ cao.
Theo PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa - Giảng viên Vi sinh & An toàn tiêm chủng, Viện Pasteur TPHCM, việc lây bệnh ho gà cho trẻ nhỏ dưới 6-8 tuần tuổi chưa được tiêm vaccine vô cùng nguy hiểm, bởi trẻ ở độ tuổi này nếu nhiễm ho gà, thường diễn tiến nặng và có tỷ lệ tử vong cao hơn những nhóm tuổi khác. Một nghiên cứu đã ghi nhận, tỷ lệ lây nhiễm ho gà cho trẻ nhỏ từ anh em trong nhà là 16%. Do đó, việc chủng ngừa ho gà cho thanh thiếu niên không chỉ giúp bảo vệ chính bản thân các em, mà còn bảo vệ những đối tượng nguy cơ sống cùng nhà.
Uốn ván là bệnh do độc tố của vi khuẩn uốn ván có trong đất, xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương hở. Triệu chứng lâm sàng của bệnh là những cơn co cứng cơ lan dần toàn thân. Biến chứng của uốn ván có thể ảnh hưởng đến cột sống, liệt dây thanh quản, liệt hô hấp… Bệnh có tỷ lệ tử vong cao tại nhiều nơi trên thế giới (10-20%). Bác sĩ Cao Hữu Nghĩa cho biết miễn dịch uốn ván chỉ có được từ việc tiêm phòng vaccine.
Ý nghĩa của việc tiêm nhắc bạch hầu - ho gà - uốn ván trên thanh thiếu niên
Bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên, theo bác sĩ Cao Hữu Nghĩa, nhiều phụ huynh hiện nay chưa nhận thức đầy đủ về việc tiêm chủng cho thanh thiếu niên, mà thường chỉ tập trung vào đối tượng trẻ nhỏ. Trong khi đó, thanh thiếu niên - đối tượng tham gia nhiều hơn vào các hoạt động giao tiếp xã hội có nguy cơ nhiễm bệnh cao.
"Đối với các bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván, chúng ta có phác đồ dành cho trẻ sơ sinh, trẻ nhũ nhi và cũng có phác đồ dành cho thanh thiếu niên. Dù đã được tiêm chủng từ nhỏ, nhưng theo thời gian, kháng thể từ các mũi tiêm này sẽ giảm dần. Đặc biệt, thanh thiếu niên với sự mong manh của hàng rào miễn dịch khi không được tiêm nhắc, sẽ xuất hiện những căn bệnh tuy cũ nhưng hoàn toàn có khả năng tái bùng phát trở lại. Phụ huynh nên lưu ý tiêm nhắc cho trẻ để tối ưu khả năng bảo vệ", bác sĩ Cao Hữu Nghĩa nhận định.
Việc tiêm vaccine phòng ngừa các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván không chỉ giúp bảo vệ thanh thiếu niên khỏi những biến chứng nguy hiểm, mà còn giúp bảo vệ trẻ dưới 6 tháng và người già - hai nhóm đối tượng nguy cơ cao, từ đó ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, theo bác sĩ Cao Hữu Nghĩa.
Theo các chuyên gia, việc tiêm vaccine ngừa bạch hầu - uốn ván - ho gà cần được thực hiện suốt đời. Cụ thể, với thanh thiếu niên, người lớn, thai phụ và người già, cần tiêm nhắc mỗi 10 năm 1 lần để duy trì kháng thể phòng bệnh.