Vì sao thanh thiếu niên bị mạng xã hội “mê hoặc”?
(Dân trí) - Ngày nay, không khó để bắt gặp hình ảnh những cậu bé, cô bé dán mắt vào điện thoại thông minh để tham gia, theo dõi hoạt động của các mạng xã hội. Nghiên cứu mới đã tìm ra bằng chứng có thể giải thích tại sao thanh thiếu niên lại bị các trang mạng xã hội này “mê hoặc”.
Khoảng 90% thanh thiếu niên Mỹ cho biết sử dụng ít nhất 1 trang mạng xã hội và 71% cho biết sử dụng ít nhất 2 trang mạng xã hội. Và điều có đó thể đem đến những ảnh hưởng tiêu cực.
Một khảo sát mới đây chỉ ra rằng một nửa số thanh thiếu niên cảm thấy “nghiện” công nghệ. Nghiên cứu khác cho thấy áp lực từ mạng xã hội có thể liên quan tới sự gia tăng nguy cơ trầm cảm và lo âu ở thanh thiếu niên.
Não sáng lên khi ảnh nhận nhiều “like”
Trong nghiên cứu đầu tiên sử dụng máy quét, chụp não của thanh thiếu niên khi họ sử dụng mạng xã hội, các nhà khoa học từ ĐH California, Los Angeles (UCLA) thấy rằng phần não liên quan tới sự tán thưởng hoạt động mạnh bất cứ khi nào những bạn trẻ này nhìn thấy hình ảnh của họ nhận được nhiều “like”.
Các nhà nghiên cứu cũng thấy rằng việc nhấn nút “like” có hiệu ứng tích lũy. Khi những người bạn “like” một bức ảnh, các thanh thiếu niên sẽ thích “like” bức ảnh hơn nhưng hoàn toàn không hề quan tâm tới nội dung bức ảnh.
Lauren Sherman, tác giả chính của nghiên cứu, một nhà nghiên cứu ở UCLA cho biết, có thể một trong những lý do khiến thanh thiếu niên sử dụng tích cực mạng xã hội là vì họ thật sự nhạy với biểu tượng “like”. Họ cũng nhạy cảm với những hành động của bạn bè trên mạng.
Sherrman và nhóm đã chọn 32 thanh thiếu niên từ 13 tới 18 tuổi tham gia vào một mạng xã hội dựa trên hình ảnh tương tự với Instagram. Các nhà nghiên cứu yêu cầu những thanh thiếu niên này nộp 40 bức ảnh từ tài khoản Instagram cá nhân của họ và sau đó cho họ xem tổng cộng 148 bức hình từ những hình nộp này trên màn hình máy tính
Các nhà nghiên cứu cho người tham gia biết bức ảnh đã được xem bởi 50 thanh thiếu niên khác tham gia nghiên cứu và những bức ảnh kiếm được like từ những thanh thiếu niên khác. (Trên thực tế, các nhà nghiên cứu đã tự nhấn nút “like” vào những bức hình này).
Trong khi các thanh thiếu niên xem các bức ảnh, máy cộng hưởng từ sẽ chụp lại não của trẻ. Kết quả cho thấy vùng não liên quan với hoạt động xã hội và thị lực đã sáng lên khi trẻ nhìn thấy bức ảnh của chúng nhận được nhiều “like”.
Đáng chú ý, khu vực nhân não hoạt động rất mạnh. Khu vực này được liên kết với sự tán thưởng và sáng lên khi một người làm những điều thú vị như ăn sô cô la hoặc kiếm được tiền. Điều này cho thấy sự thỏa mãn khi được công nhận qua các lượt “like”.
Mặt khác, khi các nhà nghiên cứu yêu cầu thanh thiêu niên lựa chọn những bức ảnh để “like”, họ phát hiện ra rằng các bạn trẻ này sẽ dễ like những bức ảnh đã nhận được nhiều lượt “like”.
Nghiên cứu trước đây về vùng nhân não vốn phát triển tới kích cỡ lớn nhất ở tuổi thiếu niên và rồi co lại khi trưởng thành cho thấy, ở độ tuổi thiếu niên, các hoạt động tán thưởng sẽ luôn được khu vực này kích hoạt quá mức. Đó là lý do tại sao việc quan hệ tình dục, liếm một que kem, nghe một bản nhạc yêu thích… sẽ chỉ mang lại cảm giác tuyệt vời nhất như khi bạn là thiếu niên.
Sự bùng nổ về kích cỡ và khả năng hoạt động của nhân não có thể giải thích mọi điều, từ hành vi nguy cơ của thanh thiếu niên tới niềm vui mãnh liệt khi đưa ra những quyết định thiếu cân nhắc. Nó cũng giải thích tại sao thanh thiếu niên luôn cảm thấy mối liên kết mạnh mẽ từ những lời tán thưởng trên mạng xã hội.
Những lượt “like” trên bức ảnh là sự tán thưởng trực tiếp, xác thực, làm sáng lên những phần não của thanh thiếu niên như vùng nhân não, kích thích phản ứng mạnh mẽ với cảm giác hài lòng, hạnh phúc.
Đó là một trong những lý do mạng xã hội là hấp dẫn hơn. Nó giúp giải thích những gì đang xảy ra và tại sao thanh thiếu niên cảm thấy say mê mạng xã hội.
Mặc dù nghiên cứu sử dụng phương pháp chụp não này không tìm hiểu sâu về lĩnh vực này nhưng nó cung cấp manh mối giải thích tại sao mạng xã hội có sức hấp dẫn không thể cưỡng lại được với não của thanh thiếu niên, ngay cả khi phải đối mặt với những cảm xúc tiêu cực.
Tất nhiên, trước khi có mạng xã hội, thanh thiếu niên rất háo hức với những tán thưởng từ bạn bè và dễ bị ảnh hưởng bởi bạn bè.
Ảnh hưởng của bạn bè có thể là tốt hoặc xấu
Nghiên cứu của Sherman chỉ ra rằng những thanh thiếu niên bị ảnh hưởng bởi hoạt động “like” của bạn bè không quan tâm tới chủ đề của bức ảnh về bản chất là trung lập, tích cực hay nguy cơ, điều này có thể là do chịu ảnh hưởng của bạn bè.
Như vậy các cô cậu tuổi teen bị “mê hoặc” bởi mạng xã hội không đồng nghĩa với việc chúng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Hay nói cách khác, việc truy cập mạng xã hội không có nghĩa nhất định sẽ gây hại cho thanh thiếu niên.
Tuy nhiên, phụ huynh nên cẩn trọng bởi các mối quan hệ xã hội trực tuyến của thanh thiếu niên có thể rộng mở hơn những mối quan hệ trong đời thực của chúng, kéo theo đó là “vùng kiểm soát” của cha mẹ sẽ trở nên lỗi thời. Và khi trẻ tham gia mạng xã hội, hãy xem trẻ sẽ nhìn thấy những gì, bạn bè trẻ sẽ đăng tải và nhấn nút “like” cho những hành động như thế nào.
Và mấu chốt để trẻ nhận được những ảnh hưởng tốt từ mạng xã hội là cha mẹ nên gặp các chuyên gia để cân nhắc việc giới hạn thời gian, thành thật về mối quan hệ của chính mìnhn với điện thoại thông minh và loại bỏ tận gốc các vấn đề - trầm cảm, lo âu, ức hiếp - có thể ẩn dưới việc sử dụng mạng xã hội phức tạp.
Nghiên cứu được đăng trên tờ Psychological Science.
Hà Ngân
Theo Huffingtonpost