Vì sao tập yoga hay bị choáng váng?

Tôi đã tập yoga hơn 10 năm, thành thạo nhiều động tác khó. Thế nhưng, dạo này mỗi khi tập tôi lại cảm thấy choáng váng, thậm chí ngã sấp. Có phải yoga đã không còn hợp với tuổi của tôi?

Điều đáng nói là tôi bị choáng ngay trong những động tác rất đơn giản mà tôi đã làm thành thục nhiều năm, ví dụ như chạm tay vào ngón chân, trồng chuối tạo dáng, các tư thế thăng bằng mà đầu hơn thấp… Đó có phải là dấu hiệu bệnh gì? Có cách gì khắc phục, hay tôi phải từ bỏ việc tập yoga ? Nếu vậy tôi rất buồn… (Nguyễn Thị Mỹ, 57 tuổi, quận Thủ Đức, TP HCM)

Bác sĩ Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Thống Nhất:

Chào chị, như triệu chứng chị mô tả, chị có thể gặp rối loạn hệ thống tiền đình ốc tai nên bị choáng váng khi thay đổi tư thế.

Không phải là chị không thể tập yoga khi lớn tuổi. Việc thường xuyên tập một hay nhiều môn thể thao còn tốt cho sức khỏe của chị. Tuy nhiên, ở tuổi 57, chị cần thay đổi cách tập. Có những động tác mà 10 năm trước chị làm dễ dàng nhưng nay, dù đã quen, cũng không nên làm nữa, nhất là khi đã gặp rắc rối sức khỏe.

Cụ thể, đó là những động tác trồng chuối, cúi đầu thấp… Thứ nhất, chị có thể choáng váng và té ngã lần nữa, gây chấn thương. Thứ hai, có thể có những thay đổi bất lợi về tuần hoàn khi chúi đầu, rất nguy hiểm.

Chị cũng nên tránh thay đổi tư thế quá đột ngột. Yoga có nhiều động tác, kiểu tập. Chị có thể tham khảo thêm huấn luyện viên để thay đổi chương trình tập cho phù hợp với tuổi và sức khỏe hơn.

Với các triệu chứng như trên và độ tuổi của chị, chị nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, nhất là các chuyên khoa nội thần kinh, tim mạch. Ngoài vấn đề tập luyện không phù hợp, các bệnh lý tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, mảng xơ vữa gây hẹp động mạch cảnh trong, tiểu đường… cũng có thể gây triệu chứng choáng váng, rối loạn tiền đình.

Theo Anh Thư

Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm