1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vì sao tăng mức đóng BHYT của học sinh - sinh viên?

(Dân trí) - Trong năm học 2015 – 2016 học sinh, sinh viên sẽ phải tăng mức đóng BHYT từ 3% lên 4,5% lương cơ bản khiến không ít người lo ngại rằng sẽ tăng gánh nặng kinh tế cho gia đình đối tượng này trong đầu năm học mới.

Được chia nhỏ mức đóng BHYT học sinh - sinh viên

Mức điều chỉnh này là do thực hiện theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Bảo hiểm Y tế. Năm học 2015-2016 là năm học đầu tiên nhóm đối tượng này áp dụng theo luật mới. Theo đó, từ năm học này, thay vì đóng BHYT tương ứng 3% lương cơ sở như trước, năm nay học sinh - sinh viên phải đóng ở mức 4,5% lương cơ sở, tương đương với 434.700 đồng.

Ông Lê Văn Khảm, Vụ Phó Vụ BHYT (Bộ Y tế), cho biết mức đóng này thể hiện sự công bằng với tất cả các đối tượng tham gia BHYT, mức đóng là như nhau. Hơn nữa, quyền lợi mở rộng ra rất nhiều nên phải tăng mức đóng. Thứ 3 là riêng với học sinh - sinh viên lại còn được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường. Đây cũng là nhóm đối tượng đặc biệt được ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng, còn lại 70% học sinh phải tự đóng. Mức đóng này có thể giảm dần tùy theo sự hỗ trợ của địa phương.

Riêng với học sinh - sinh viên là hộ nghèo sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% thẻ BHYT, hộ cận nghèo được hỗ trợ đến 70% giá trị thẻ BHYT (ở một số địa phương, có thêm ngân sách địa phương hỗ trợ đối tượng này, nhiều nơi sinh viên, học sinh hộ cận nghèo cũng được hỗ trợ BHYT 100%). Vì thế, với các nhóm đối tượng này sự tác động của việc tăng mức đóng thẻ BHYT là rất ít. Còn đối với học sinh - sinh viên những gia đình khác phải tham gia BHYT theo hình thức học sinh - sinh viên. Sự thay đổi này đã được bàn thảo rất kỹ, thảo luận dưới nhiều góc cạnh khác nhau và Quốc hội đã quyết định và bắt đầu có hiệu lực thực hiện từ năm học 2015 – 2016.

Ngoài ra, năm nay BHYT của học sinh - sinh viên cũng có thêm điểm mới, theo đó, thời hạn của thẻ BHYT có giá trị trong vòng 15 tháng. Vì trước đó, thẻ BHYT của học sinh - sinh viên có giá trị sử dụng từ đầu năm (tháng 9 hoặc 10) và hết hạn sau 12 tháng (trường hợp thẻ có giá trị sử dụng 12 tháng thì hết hạn vào cuối tháng 8 hoặc 9 năm sau). Tuy nhiên, điểm mới của luật là thời hạn sử dụng ghi trên thẻ bảo hiểm y tế học sinh - sinh viên sẽ theo năm tài chính, từ ngày 1/1 đến ngày 31/12 của năm.

Lý giải vấn đề này, ông Khảm cho biết, theo quy định của một số văn bản liên quan đến Luật BHYT, thì thu BHYT theo năm tài chính, nghĩa là từ 1/1 đến 31/12 của năm đó. Vì đây là năm đầu tiên chuyển giao, mọi năm trước học sinh – sinh viên tham gia BHYT theo năm học, đến hết tháng 9 là xong. “Bây giờ thực hiện BHYT theo năm tài chính và có ba cách thực hiện việc đóng BHYT này. Một là đóng từ nay đến hết năm 2015 (3 tháng), sau đó lại đóng tiếp cho năm sau từ 1/1/2016. Hai là học sinh, sinh viên có thể đóng 3 tháng cuối năm nay và sang năm 2016 có thể đóng làm 2 đợt, mỗi đợt thẻ BHYT kéo dài trong 6 tháng. Thứ ba là nếu gia đình nào có điều kiện thì mình có thể đóng luôn 15 tháng. Cái này đã có hướng dẫn trong các văn bản của BHXH gửi các địa phương. Theo đó, tùy từng điều kiện của từng nhà trường họ có thể tách thu khác nhau”, ông Khảm nói.

Theo các chuyên gia, việc phân kỳ mức đóng này hoàn toàn đúng luật và tạo điều kiện cho các gia đình, không để họ tăng thêm gánh nặng với đủ khoản phí phải nộp trong đầu năm học mới. Thay vì phải đóng 1 năm, đầu năm học học sinh - sinh viên có thể lựa chọn phương án 1 để đóng BHYT cũng giúp giảm gánh nặng chi phí đầu năm học. Tùy từng địa phương, từng trường có thể triển khai linh hoạt các phương án này.

Phòng rủi ro cho sức khỏe

Cụ thể, khi đi khám bệnh đúng tuyến, học sinh - sinh viên có thẻ BHYT được quỹ BHYT chi trả 80% chi phí khám chữa bệnh, đồng chi trả 20%. Riêng với nhóm sinh viên thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo sẽ được quỹ BHYT chi trả ở mức cao hơn theo quy định của Luật. Ngoài ra, quyền lợi của các em còn được hơn những người khác ở chỗ là được dùng một phần kinh phí để chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường.

Nói về vai trò của thẻ BHYT với học sinh - sinh viên, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, thẻ BHYT thực sự đã giúp đỡ rất nhiều các đối tượng này nếu không may mắc bệnh. Trẻ con phần lớn là tuổi ăn, chơi, nghịch, những tai nạn, ốm đau là rủi ro là không thể lường trước được.

Như tại khoa mới đây điều trị bệnh cho bệnh nhi có hoàn cảnh rất đặc biệt, cháu T.Q.T  (13 tuổi, trú tại thôn Tương, xã Hồng Thái, huyện Ninh Giang, Hải Dương) bị liệt hoàn toàn hai tay. Trong 7 năm học, bệnh nhi luôn là học sinh giỏi, sức khỏe hoàn toàn bình thường, không có vấn đề gì. Tuy nhiên gần đây bệnh nhi bỗng dưng có biểu hiện hai tay khoogn cử động được, khi đến viện khám cháu được chẩn đoán mắc hội chứng Guilain Barre (liệt hai tay CRNN). Sau đợt điều trị đầu tiên, chi phí điều trị lên đến 130 triệu đồng. “Nếu không có BHYT học sinh – sinh viên thanh toán 80% chi phí khám chữa bệnh, em rất khó có cơ hội điều trị vì hoàn cảnh gia đình đặc biệt, mẹ bỏ đi, em được bác nuôi mà kinh tế gia đình cũng chỉ ở mức đủ ăn”, TS Dũng nói.

TS Dũng cho biết thêm, tất nhiên đây là trường hợp cá biệt với bệnh lý nặng nề. Còn rất nhiều trường hợp bệnh nhi mắc các bệnh lý khác như viêm màng não do vi rút, vi khuẩn, bệnh hệ thống... mà những trẻ này đều đang hoàn toàn khỏe mạnh. Chi phí hỗ trợ của quỹ BHYT là rất lớn với những trường hợp này, giúp gia đình các em được yên tâm điều trị.

“Những rủi ro về sức khỏe là không thể lường trước, vì thế, các gia đình hãy chăm lo cho sức khỏe của con em mình bằng thẻ BHYT học sinh – sinh viên. Rất may mắn những năm gần đây, số lượng học sinh – sinh viên tham gia BHYT gia tăng, ngay tại khoa, gần như 100% bệnh nhi điều trị nội trú đều có thẻ BHYT, giúp các bác sĩ yên tâm rât nhiều trong việc chữa trị cho bệnh nhi, không phải lo lắng bệnh nhi bỏ về vì gánh nặng chi phí điều trị”, TS Dũng nói.

Hồng Hải