Cảnh báo đột quỵ sớm ở người 40-45 tuổi
(Dân trí) - Việt Nam mỗi năm ghi nhận 200.000 người bị đột quỵ, là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế. Đáng chú ý số bệnh nhân đang gia tăng hàng năm, đặc biệt nhiều người mới chỉ 40-45 tuổi.
Ngày 9/11, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức lễ khánh thành Trung tâm Đột quỵ - nơi chuyên tiếp nhận, chăm sóc, điều trị và quản lý các bệnh nhân đột quỵ.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết tại Việt Nam mỗi năm ghi nhận 200.000 người bị đột quỵ. Điều đáng sợ là bên cạnh các bệnh lý không lây nhiễm gây đột quỵ như tăng huyết áp, xơ vữa thành mạch, đái tháo đường… thì những thói quen xấu như hút thuốc, rượu bia… là nguyên nhân làm tăng tỷ lệ quỵ ở Việt Nam.
“Số bệnh nhân đột quỵ tại nước ta gia tăng hàng năm, đặc biệt khoảng 1/3 số ca bệnh xảy ra ở độ tuổi trẻ 40-45 tuổi, gọi là đột quỵ sớm”, Thứ trưởng Sơn nói.
Vì thế, theo Thứ trưởng việc Bệnh viện Bạch Mai thành lập Trung tâm Đột quỵ là bước tiến để có chính sách chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân: phát hiện bệnh sớm, đặc biệt là đảm bảo “thời gian vàng”, điều trị sớm, kịp thời. Đột quỵ là bệnh lý cần được phát hiện càng sớm càng tốt, để càng trễ thì càng dễ mất người bệnh.
Bên cạnh đó, cũng tăng cường vấn đề truyền thông dự phòng bệnh, nhận biết sớm các triệu chứng của bệnh để đến cơ sở y tế gần nhất.
PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cũng nhấn mạnh đột quỵ đang là vấn đề thời sự của thế giới. Hàng năm, Việt Nam có khoảng 200.000 người bệnh đột quỵ mới mắc, gây tử vong đứng hàng thứ 3, gây tàn phế đứng hàng thứ nhất. Việc xây dựng các đơn vị đột quỵ chuyên sâu sẽ giúp cải thiện tỷ lệ tử vong, tăng cơ hội hồi phục cho người bệnh đột quỵ não.
Mỗi năm, Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu và điều trị cho khoảng 6.000-8.000 người bệnh đột quỵ. Tuy nhiên, hiện nay người bệnh chưa được điều trị tập trung, nằm rải rác tại nhiều khoa, phòng trong bệnh viện. Do đó không tập trung được nguồn lực và chưa thống nhất chung được quy trình điều trị nên chưa đạt được hiệu quả điều trị tối ưu cho bệnh nhân đột quỵ.
“Với phương châm “thời gian là não”, việc thực hiện điều trị người bệnh đột quỵ cần tiến hành nhanh chóng bao gồm chẩn đoán và xử trí cấp cứu, đặc biệt tiến hành tiêu huyết khối trong 4 - 5 giờ đầu”, PGS Tôn nhấn mạnh.
Đồng thời, người bệnh cần được phối hợp các chuyên khoa Chẩn đoán hình ảnh để can thiệp nội mạch lấy huyết khối cấp cứu, phối hợp chuyên khoa Phẫu thuật thần kinh để phẫu thuật cấp cứu cho người bệnh.
Bên cạnh đó, bệnh nhân đột quỵ nặng cũng cần phải được hồi sức thần kinh, thực hiện các thủ thuật cấp cứu tại giường. Người bệnh đột quỵ cũng cần được tập phục hồi chức năng sớm ngay giai đoạn cấp. Các chiến lược giáo dục, dự phòng tái phát đối với người bệnh cũng rất quan trọng.
Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai ra đời với mục tiêu xây dựng một trung tâm đột quỵ hoàn chỉnh, hiện đại hàng đầu Việt Nam, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, áp dụng công nghệ cao trong chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh nhân đột quỵ.
Trong đó, ngoài việc đẩy mạnh công tác chuyên môn trong tiếp đón, cấp cứu, phân loại, xử trí bệnh nhân đột quỵ nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị bệnh nhân đột quỵ não, mà còn đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống cấp cứu và điều trị đột quỵ.
lâu nay nhiều người hiểu sai việc bệnh nhân đột quỵ không được vận động tức là không di chuyển. Vì thế cứ để bệnh nhân nằm yên một chỗ, khiến càng nặng. Thực tế, không để bệnh nhân vận động nhưng có thể di chuyển khi họ nằm trên cáng, trên ô tô. Trong khi đợi xe cấp cứu, tránh làm tổn thương nặng thêm bằng việc cho người bệnh nằm đầu cao, lưng nghiêng 45 độ so với cơ thể, để khi bệnh nhân bị nôn, đờm dãi sẽ không chui vào mũi, miệng và vào phổi; mặc quần áo thoáng, mở phần cổ áo để kiểm tra hô hấp.
Việc tiếp cận xử trí và điều trị bệnh nhân đột quỵ hiện nay tại Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp cận nhiều kỹ thuật cao, tiên tiến trên thế giới. Tại khoa Cấp cứu đã triển khai thường quy nhiều kỹ thuật cao về can thiệp cho đột quỵ như: tiêu huyết khối, lấy huyết khối cơ học (phối hợp với Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh), mở nửa sọ giảm áp cho người bệnh đột quỵ thiếu máu não, các phẫu thuật mở sọ lấy máu tụ, kẹp clipping cho túi phình động mạch vỡ (phối hợp với khoa Phẫu thuật Thần kinh) trong chảy máu dưới nhện...