Vì sao khói thuốc làm tăng nguy cơ ung thư phổi?

Hồng Hải

(Dân trí) - Trong các bệnh nhân ung thư phổi có tới 90% người hút thuốc lá. Thuốc lá được coi là tác nhân chính gây nên căn bệnh nguy hiểm này.

Vậy vì sao khói thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư phổi?

Trong khói thuốc lá hàng nghìn hoạt chất gây độc hại cho cơ thể, đặc biệt chất 3-4 benzopyzen là chất gây ung thư rất rõ trong thực nghiệm.

Trong thực tế điều trị, Bệnh viện K cũng cho biết, ghi nhận không ít những bệnh nhân ung thư phổi đã hút hơn 10 điếu thuốc lá/ngày trong nhiều năm.

90% bệnh nhân ung thư phổi điều trị tại bệnh viện có hút thuốc. Vì thế đến nay, hút thuốc lá được coi là yếu tố nguy cơ chính với ung thư phổi.

Ngay cả với những bệnh nhân mắc ung thư phổi nhưng không hút thuốc, các nhà chuyên môn cũng cho rằng họ đã tiếp xúc với một số lượng đáng kể khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động, hít phải khói thuốc lá trong thời gian dài). Hút thuốc lá thụ động cũng đã được chứng minh làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi lên 20%.

Ung thư phổi là căn bệnh phổ biến trên toàn thế giới và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh lý ung thư ở cả 2 giới. Ước tính mỗi năm có khoảng 1.8 triệu ca tử vong trên toàn thế giới do ung thư phổi. 

Khi bị ung thư phổi, người bệnh thường xuất hiện ho kéo dài. Khó thở, ho có đờm lẫn máu và đau ngực cũng có thể là dấu hiệu chỉ điểm của ung thư phổi. Một thời gian sau bệnh nhân có thể gầy sút, mệt mỏi, thở nông, khàn giọng, khó nuốt, đau xương, thở khò khè và tràn dịch màng phổi.

Để ngăn ngừa ung thư phổi cần tránh xa thuốc lá, khám sức khỏe định kỳ, khám tầm soát phát hiện sớm căn bệnh này. Ngoài ra việc giữ thói quen sinh hoạt khoa học, bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý, kết hợp vận động, tập luyện thể thao đều đặn, cải thiện vệ sinh môi trường nhất là khu công nghiệp và tránh tiếp xúc với khói bụi cũng là biện pháp ngăn ngừa ung thư phổi hiệu quả.