Vì sao giun ngoi lên miệng sau uống thuốc xổ giun?

(Dân trí) - Cách đây 5 hôm cháu uống thuốc tẩy giun. Sau uống khoảng 3 tiếng thì đau bụng quằn quại và tối ngủ cứ có cảm giác vướng vướng, nghẹn nghẹn nơi cổ họng. Gần sáng đang ngủ cháu thấy như có con gì ngọ nguậy trong miệng, vội nhổ ra thì thấy con giun.

Suốt cả ngày hôm đó cháu vẫn có hiện tượng tương tự và đã phải đến khám tại BV thì bác sĩ nội soi gắp ra một con giun nữa qua đường miệng. Xin hỏi bác sĩ, vì sao lại có hiện tượng như vậy? Có phải vì thuốc giun không hiệu quả? Lần sau cháu có nên uống thuốc xổ giun nữa không? (Yên Minh, 18 tuổi, Thanh Xuân Bắc, Tây Hồ, Hà Nội).

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai trả lời:
 
Nguyên nhân khiến giun ngoi lên miệng sau khi uống thuốc xổ giun ở bạn gái này là do cường độ nhiễm giun quá cao. Khi nhiễm giun nhiều, uống thuốc vào gây tác động khiến giun chui lung tung và gây ra như vậy.

Một bác sĩ công tác tại Viện Sốt rét – Ký sinh trùng trung ương cho biết, cách đây chừng 10 năm gặp khá nhiều trường hợp tương tự do bị nhiều giun quá. Còn hiện nay rất hiếm gặp bởi được tẩy giun đều đặn hơn. “Trường hợp của bạn gái này nên đến Viện Sốt rét - Ký sinh trùng trung ương để được khám, xét nghiệm lại để xác định xem nhiễm các loại giun gì vì mỗi loại giun liều lượng điều trị khác nhau. Còn với những người có quá nhiều giun, liều phổ thông không mang lại hiệu quả triệt để”, vị bác sĩ này nói.

Theo PGS.TS Dũng, những trường hợp có nguy cơ cao nhiễm giun như bạn gái này cần duy trì liều tẩy giun 6 tháng một lần. TS Dũng cũng cho rằng, với người lớn và trẻ em khi tẩy giun cũng nên có sự tư vấn của bác sĩ. Bởi lời khuyên tẩy giun được áp dụng cho từng đối tượng cụ thể, từng quần thể dân cư chứ không nhất thiết tất cả mọi người 6 tháng nên tẩy giun một lần.

“Đặc biệt ở trẻ em, những trẻ ở vùng nông thôn, thường xuyên có tiếp xúc với đất cát bẩn, ô nhiễm môi trường, đi chân trần trên đất, vệ sinh bàn tay không được sạch sẽ khi ăn uống… nguy cơ nhiễm giun cao hơn nhiều so với trẻ thành phố, sự tiếp xúc với những yếu tố nguy cơ này ít hơn. Vì thế, không có lời khuyên chung cho việc điều trị giun ở trẻ”, TS Dũng nói.

Tuy nhiên, TS Dũng cũng khẳng định, quan điểm uống thuốc giun 6 tháng một lần là bị bào mòn ruột là không đúng. Những đối tượng có nguy cơ nhiễm giun cao cần tham vấn bác sĩ và được chỉ định tẩy giun thì cần tuân thủ. Vì nhiễm giun gây nhiều tác hại cho sức khỏe.

Ngoài ra, để phòng giun sán ở cả trẻ em và người lớn, cần thực hiện ăn chín uống sôi, vệ sinh bàn tay sạch sẽ, không ăn rau sống, đồ tái…

Hồng Hải (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm