Vì sao đầy bụng, khó tiêu, ăn không ngon sau phẫu thuật cắt dạ dày?
(Dân trí) - Bệnh nhân bị u mô đệm dạ dày ruột đã phẫu thuật cắt bỏ gần toàn bộ dạ dày, lá lách, đại tràng ngang, thân đuôi tụy gặp một số vấn đề dinh dưỡng: khó khăn, ăn không ngon miệng, chủ yếu uống sữa...
Làm thế nào để giúp bệnh nhân ăn ngon miệng, giảm tình trạng đầy bụng, khó tiêu, có thể sử dụng thêm men tiêu hóa hay không?
GS.TS. Lê Thị Hương - Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng; Phụ trách Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện K cho biết, bệnh nhân sau cắt dạ dày do u mô đệm, do ung thư, thức ăn bỏ qua giai đoạn ở dạ dày mà đi thẳng đến ruột non. Đây là nguyên nhân khiến bệnh nhân nhanh cảm giác no, đầy bụng.
Chưa kể, với người bình thường, khi ăn, thức ăn khó tiêu vào dạ dày sẽ được nghiền nhỏ, tiêu hóa tiếp. Trong khi đó, bệnh nhân đã cắt gần hết dạ dày, quá trình này bị rút ngắn, thức ăn không còn được dạ dày xử lý, tiêu hóa mà đến thẳng ruột non. Vì thế, hầu hết các bệnh nhân đều xuất hiện cảm giác đầy bụng, khó tiêu, không muốn ăn.
Trong trường hợp bệnh nhân bị cắt thân đuôi tụy, đây là nơi tiết ra men tiêu hóa để xử lý chất béo, chất mỡ - nay không còn nên cũng gây ra tình trạng đầy bụng, không muốn ăn.
Theo GS Hương, với những trường hợp này nên lựa chọn các loại thực phẩm mềm, dễ tiêu, ăn lượng ít nhưng chất dinh dưỡng phải cao, vì bệnh nhân chỉ ăn được một lượng rất nhỏ.
Chăm sóc dinh dưỡng những bệnh nhân này phải tỉ mỉ hơn. Thay vì một ngày 3 bữa chính nay phải chia nhỏ bữa, 2 tiếng ăn lần. Chế biến thức ăn dạng cháo, súp, phở, cơm nấu mềm, nát... Ăn các thực phẩm giàu dinh dưỡng như trứng, sữa có hàm lượng axit amin cao, chất đạm béo cao dễ tiêu hóa, hấp thu nhất.
Bên cạnh đó bổ sung nguồn đạm từ cá (cá thu, cá hồi...)
Chế biến thực phẩm cũng không nên chiên rán nhiều dầu mỡ gây khó tiêu. Nên luộc, hấp, hầm, sử dụng dầu thực vật, các loại rau hoa quả cung cấp vitamin khoáng chất.
Dùng men sống, men vi sinh không hẳn giúp bệnh nhân ngon miệng. Thường chỉ nên dùng khi có rối loạn tiêu hóa, táo bón, tiêu chảy… Quan trọng nhất là các vi chất dinh dưỡng, như vitamin nhóm B, kẽm giúp kích thích thèm ăn, ngon miệng. Trong trường hợp bệnh nhân ăn không đủ thì nên bổ sung vi chất dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, cần động viên tinh thần người bệnh, động viên bệnh nhân duy trì vận động nhẹ nhàng, kích thích tiêu hóa để có cảm giác đói, thèm ăn.