Vì sao đã thanh toán bại liệt vẫn phải tiêm chủng vắc xin?

(Dân trí) - Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt từ năm 2000, cứu hàng triệu trẻ khỏi căn bệnh nguy hiểm này. Tuy nhiên trong bối cảnh vi rút bại liệt hoang dại vẫn còn lưu hành tại một số quốc gia, việc mở rộng giao lưu quốc tế cho thấy nguy cơ lây truyền bệnh bại liệt vẫn còn hiện hữu. Việc duy trì miễn dịch bảo vệ phòng bệnh bại liệt là rất cần thiết cho đến khi bệnh bại liệt được thanh toán hoàn toàn trên quy mô toàn cầu.

Bảo vệ thành quả 17 năm thanh toán bại liệt

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, bại liệt là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Polio (bại liệt) gây ra. Vi rút này nguy hiểm bởi khi xâm nhập vào cơ thể, chúng gây tổn thương ở các tế bào thần kinh vận động, gây di chứng liệt không hồi phục và tàn tật suốt đời, thậm chí bệnh nhân tử vong.

Trẻ em cần được uống đủ 3 liều vắc xin để phòng ngừa nguy cơ bệnh bại liệt. Ảnh: N.Đ
Trẻ em cần được uống đủ 3 liều vắc xin để phòng ngừa nguy cơ bệnh bại liệt. Ảnh: N.Đ

Vi rút bại liệu rất dễ lây qua đường tiêu hóa. Chúng từ người bệnh hoặc người lành mang trùng ô nhiễm vào nguồn nước, thực phẩm rồi vào lây sang người khác qua đường tiêu hóa. Với người không có miễn dịch phòng bệnh, vi rút này có thể từ đường ruột vào xâm nhập cơ thể, nhân lên và gây bệnh.

Tại Việt Nam, trước khi có vắc xin phòng bệnh, bệnh bại liệt là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và để lại di chứng nặng nề ở trẻ dưới 5 tuổi.

Nhờ triển khai uống vắc xin phòng bệnh bại liệt và nhiều năm duy trì tỷ lệ uống vắc xin bại liệt cho trẻ dưới 1 tuổi trong tiêm chủng thường xuyên và các chiến dịch uống vắc xin bại liệt cho trẻ dưới 5 tuổi trên toàn quốc ở mức cao (trên 95%), bệnh bại liệt đã dần được khống chế. Ca bệnh cuối cùng được ghi nhận tại Việt Nam từ năm 1997. Việt Nam đã chính thức được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000 và liên tục duy trì thành quả này cho đến nay.

Thế giới vẫn còn vi rút bại liệt hoang dại

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, Việt Nam đã bảo vệ thành thanh toán bệnh bại liệt trong 17 năm qua, nhưng việc duy trì tỷ lệ uống vắc xin bại liệt ở mức cao cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 1 tuổi cần được uống đầy đủ 3 liều vắc xin bại liệt trên cả nước là hết sức cần thiết bởi căn bệnh nguy hiểm này có nguy cơ quay trở lại bất cứ lúc nào.

Trên thế giới, vi rút bại liệt hoang dại vẫn còn lưu hành ở một số quốc gia như Afghanistan, Pakistan. Trong 7 tháng đầu năm 2017, thế giới vẫn ghi nhận 8 trường hợp bại liệt do nhiễm vi rút bại liệt hoang dại týp 1. Trong khi đó, sự giao lưu quốc tế gia tăng, nguy cơ lây truyền bại liệt vào Việt Nam là hiện hữu. “ WHOkhuyến cáo, việc duy trì tiêm chủng để tạo miễn dịch bảo vệ phòng bệnh bại liệt là rất cần thiết cho đến khi bệnh bại liệt được thanh toán hoàn toàn trên quy mô toàn cầu. Đó là lý do tại sao Việt Nam cũng như các nước trên thế giới vẫn đang tiếp tục công cuộc bảo vệ thành quả thanh toán của bại liệt”, PGS. Hồng cho biết.

Theo khuyến cáo của WHO, Chương trình Tiêm chủng mở rộng Việt Nam cũng đã thực hiện việc chuyển đổi từ vắc xin bại liệt uống 3 týp (1, 2 và 3) sang vắc xin bại liệt uống 2 týp (1và 3) trên cả nước, đồng loạt cùng 150 quốc gia khác trên thế giới từ tháng 5/2016.

Từ tháng 6/2016 vắc xin bại liệt bOPV được sử dụng trong tiêm chủng thường xuyên cho trẻ dưới 1 tuổi trên toàn quốc. Đến nay vắc xin bại liệt bOPV đã sử dụng trong tiêm chủng mở rộng hơn 10 triệu liều, không ghi nhận trường hợp phản ứng bất thường nào sau sử dụng vắc xin bại liệt bOPV.

WHO cũng khuyến cáo các quốc gia sử dụng vắc xin bại liệt uống 2 týp cần triển khai vắc xin bại liệt tiêm (IPV) để bổ sung miễn dịch đối với vi rút týp 2. Dự kiến, Việt Nam cũng sẽ triển khai vắc xin bại liệt tiêm trong tiêm chủng mở rộng từ năm 2018. Bên cạnh việc duy trì uống đủ 3 liều vắc xin vắc xin OPV, trẻ dưới 1 tuổi sẽ được tiêm bổ sung một mũi IPV khi được 5 tháng tuổi.

Trẻ uống vắc xin bại liệt thời điểm nào?

Theo lịch tiêm chủng trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, mỗi trẻ cần uống 3 liều vắc xin bại liệt khi trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi, mỗi lần 2 giọt. Nếu trẻ chưa được uống vắc xin bại liệt đủ liều thì cha mẹ cần đưa trẻ đến các điểm tiêm chủng để được uống đủ 3 liều vắc xin này.

Tại Việt Nam mỗi năm có hơn 1,6 triệu trẻ được uống vắc xin bại liệt miễn phí trong chương trình Tiêm chủng mở rộng. Tỷ lệ uống vắc xin này luôn duy trì đạt trên 95%, thậm chí trên 99% trong các chiến dịch uống bổ sung, đã tạo được miễn dịch cộng đồng phòng bệnh bại liệt.

Hồng Hải