Vì sao con bạn bị thấp lùn?

Nam Phương

(Dân trí) - 90% trường hợp trẻ thấp là bình thường, chỉ có 10% do bệnh lý. Những trẻ này nếu không được điều trị khi trưởng thành sẽ có chiều cao chỉ tương đương đứa trẻ 7 tuổi, thậm chí chưa dậy thì.

Tăng trưởng chiều cao ở trẻ như thế nào nào là bình thường?

TS.BS Vũ Chí Dũng, Trưởng khoa Nội tiết-Chuyển hóa-Di truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) cho biết trẻ phát triển nhanh nhất trong thời kỳ bào thai, sinh ra bình quân có chiều dài khoảng 50cm, 12 tháng sẽ được 75cm. Sau đó, tốc độ tăng trưởng của trẻ giảm dần, trẻ thêm được 10cm ở năm thứ 2. Giai đoạn dậy thì sẽ là đỉnh của tăng trưởng, chiều cao của trẻ tăng vọt. Trẻ gái tăng 20-25cm, trẻ trai có thể tăng thêm 25-30cm, bước nhảy vọt về tăng trưởng chiều cao. 

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ như di truyền, dinh dưỡng, thể dục hormone… Đến nay các nhà khoa học tìm ra trên 100 gen điều khiển chiều cao, mỗi gen chi phối <1mm, có sự khác biệt giữa chủng tộc. 

Vì sao con bạn bị thấp lùn? - 1
TS.BS Vũ Chí Dũng, Trưởng khoa Nội tiết-chuyển hóa-Di truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội).

Yếu tố sinh học quan trọng ảnh hưởng đến chiều của trẻ là hormone. Với trẻ, tuổi bú mẹ thì chiều cao chịu ảnh hưởng của dinh dưỡng và hormone tuyến giáp. Từ 2 tuổi trở lên là vai trò của hormone tăng trưởng và hormone tuyến giáp. 

"Bước vào tuổi dậy thì, ngoài 2 hormon trên, còn có các hormone khác do buồng trứng bài tiết như estrogen với trẻ gái và hormone testosterone ở tinh hoàn của trẻ trai có vai trò quan trọng thúc thúc đẩy chiều cao nhảy vọt. Hormone tăng trưởng GH có tác dụng phát triển xương, tạo khối cơ, tác dụng chuyển hóa mỡ, đạm, canxi, photpho…", TS Dũng phân tích.  

Khi nào trẻ thấp chiều cao cần điều trị?

90% những trường hợp chiều cao thấp là bình thường, chỉ khoảng 10% là do bệnh lý, cần phát hiện sớm điều trị kịp thời để trẻ có thể đạt chiều cao gần như trẻ bình thường. Nếu trong 1 năm trẻ không cao lên được 4cm là không bình thường. Vì thế, nhiệm vụ của các bác sĩ là phân biệt thấp do bệnh lý và thấp nhưng bình thường. 

"Những trường hợp này nếu không được điều trị khi trưởng thành trên 30 tuổi thì bằng một đứa trẻ 7 tuổi về chiều cao, phát triển thể chất, thậm chí chưa dậy thì. Kích thước dương vật chỉ khoảng 1cm, kích thước tinh hoàn khoảng 1mm bằng hạt lạc, bé bằng đưa trẻ 1 tuổi", TS Dũng nói. 

Vì sao con bạn bị thấp lùn? - 2
Mắc hội chứng suy tuyến yên khiến bé gái 9,5 tuổi nhưng chỉ dài 79cm, chỉ bằng một trẻ 2 tuổi.

Nguyên nhân của chiều cao thấp

Khác nhau của bình thường 

- Chậm thể tạng

- Chiều cao thấp có tính chất gia đình

- Chiều cao thấp vô căn

Bệnh lý

- Dinh dưỡng: Cung cấp năng lượng thiếu, hấp thu kém, viêm ruột mạn tính, bệnh Coeliac

- Nội tiết: Thiếu hụt GH đơn thuần hoặc kết hợp thiếu nhiều hormone yên (bao gồm cả sau xạ trị), suy giáp bẩm si, Hội chứng Cushing, dậy thì sớm (trẻ dậy thì sớm không điều trị sẽ có chiều cao thấp dù lúc đầu rất cao), suy cận giáp...

Vì sao con bạn bị thấp lùn? - 3
Trẻ bị thấp chiều cao bệnh lý cần được can thiệp sớm để đạt chiều cao tối ưu.

- Các hội chứng bẩm sinh: Bất thường nhiễm sắc thể: hội chứng Turner, Down, các hội chứng khác: Noonan, Russell-Silver, các khuyết tật bẩm sinh khác / chậm phát triển tinh thần

- Chậm phát triển trong tử cung

- Các bệnh về xương: Achondroplasia / Hypochondroplasia, loạn dưỡng sụn, còi xương

- Các bệnh mạn tính / các bệnh chuyển hóa: Thận, tim, gan, hô hấp, miễn dịch, tiểu đường kiểm soát kém, bệnh dự trữ thể tiêu bào, các rối loạn chuyển hóa bẩm sinh khác

- Các khối u và hậu quả muộn của điều trị ung thư

- Các thuốc

Theo TS Dũng, nguyên tắc là cải thiện càng sớm càng tốt, điều trị nguyên nhân gây ra bệnh, không điều trị thuốc để tăng chiều cao. Chẳng hạn, trẻ bị suy thận mạn thì cần điều trị yếu tố sụy thận mạn. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm