Vì sao bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh nhưng tái dương tính trở lại?
(Dân trí) - Tại Việt Nam ghi nhận 2 ca bệnh Covid-19 dương tính trở lại sau khi xuất viện. Theo các chuyên gia đây không phải là ca tái nhiễm SARS-CoV-2 mà có thể do cơ thể chưa sạch được virus.
Theo PGS.TS.BS Lê Văn Đông, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Nghiên cứu Độc học và Phóng xạ (Học viện Quân y), trước hết cần hiểu xét nghiệm RT-PCR là xét nghiệm sinh học phân tử tìm vật liệu di truyền của virus. Nếu mẫu bệnh phẩm có kết quả âm tính thì có thể sạch virus thực thụ hoặc lượng virus thấp dưới ngưỡng phát hiện của xét nghiệm đó.
Các kết quả xét nghiệm lần trước của bệnh nhân Covid-19 chuyển từ dương tính thành âm tính là do lượng virus từ nhiều thành ít đến dưới ngưỡng phát hiện của xét nghiệm chứ không phải là sạch virus.
Mẫu bệnh phẩm cho kết quả âm tính thực sự nhưng virus còn tồn tại ở những vị trí khác trong cơ thể (còn ít nhưng ở sâu dưới nhu mô phổi, trong máu, trong các mô khác, đặc biệt là trong các hạch lympho là thành phần của hệ miễn dịch). Đã có thông tin khoa học cho thấy virus SARS-CoV-2 có thể chui vào bên trong các tế bào bạch cầu lympho T của người nên tồn tại ở đó rồi nhân lên và tái phát, PGS Đông cho biết.
Theo chuyên gia, các bệnh nhân đã “khỏi bệnh” ở đây được hiểu là từ có biểu hiện lâm sàng thành hết biểu hiện lâm sàng và kết quả xét nghiệm RT-PCR chuyển từ dương tính thành âm tính (kể cả âm tính nhiều lần liên tiếp) nhưng thực sự chưa làm sạch được virus ra khỏi cơ thể.
Các phác đồ điều trị Covid-19 hiện nay mới chỉ ức chế được virus chưa chưa tiêu diệt được virus, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Khả năng miễn dịch của cơ thể không đủ mạnh và hoặc bền vững để loại bỏ hết virus ra khỏi cơ thể.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng Việt Nam cũng cho rằng, các ca tái dương tính trở lại có thể là do sự hoạt động trở lại của lượng virus còn tồn đọng trong cơ thể bệnh nhân. Ngoài ra cũng có thể, loại virus này có khả năng tồn tại trong trạng thái "ngủ" trước khi được kích hoạt trở lại.
Một khả năng khác là test xét nghiệm phát hiện ra những phần "chết" của virus hoặc cũng có thể là do việc lấy mẫu, xử lý mẫu và xét nghiệm.
Tuy nhiên một số trường hợp dương tính lại có thể có virus sống và khiến cho bệnh nhân biểu hiện triệu chứng. Hàn Quốc có khoảng 61 bệnh nhân như vậy. Về lý thuyết, những bệnh nhân này có khả năng lây lan cho người khác, tuy nhiên cũng chưa ghi nhận các ca lây nhiễm thứ phát từ các ca này, PGS Phu cho biết.
Theo GS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, việc lấy mẫu chính xác sẽ quyết định tỷ lệ âm tính giả của xét nghiệm. Nếu chúng ta "ngoáy" không đủ sâu, để không đủ lâu thì bệnh phẩm chưa chắc đã bắt được dấu vết của virus. Vì thế, không phải ngẫu nhiên tiêu chuẩn khỏi bệnh là nhiều lần âm tính với RT PCR.
Thông thường, nhân viên y tế sẽ lấy dịch tỵ hầu (lấy bằng cách ngoáy mũi, họng).
“Nếu ai đã từng lấy mẫu xét nghiệm đều biết khó chịu thế nào khi bị ngoáy sâu vào mũi để lấy dịch tỵ hầu. Một số người nước mắt giàn dụa khi lấy mẫu, thậm chí có đồng nghiệp của tôi không thể lấy mẫu được ở mũi”, GS Hiếu nói.
Ngày 17/4, bệnh nhân 188 vừa ra viện 3 ngày, đang được cách ly tại nhà thì có biểu hiện sốt nhẹ, ho khan từng cơn sốt nhẹ nên được lấy mẫu xét nghiệm. Ngày 18/4 kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính trở lại với SARS-CoV-2 nên được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Tại đây, bệnh nhân được xét nghiệm lại lúc 13 giờ cùng ngày. Sáng 19/4, kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Trước đó tại Đà Nẵng, bệnh nhân 22, quốc tịch Anh cũng dương tính trở lại sau khi được công bố khỏi bệnh. Trường hợp này đã thực hiện cách ly tại nhà 14 ngày, có kết quả xét nghiệm dương tính trở lại khi được lấy mẫu xét nghiệm tại thời điểm làm thủ tục xuất cảnh. Xét nghiệm sau đó tại Anh cũng cho kết quả âm tính.
Tại Hàn Quốc- quốc gia ghi nhận nhân hơn 10.600 ca mắc, 234 ca tử vong cũng báo cáo có tới hơn 100 ca tái dương tính trở lại với SARS-CoV- 2 sau khi được công bố khỏi bệnh.
Đến sáng 21/4, Việt Nam ghi nhận 268 trường hợp mắc Covid-19.
Hà An