1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Sáng 21/4, Việt Nam tròn 5 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19

(Dân trí) - Bản tin 6h sáng ngày 21/4, Bộ Y tế cho biết Việt Nam đã trải qua 5 ngày không ghi nhận các ca mắc mới. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy các ổ dịch trong cộng đồng đang được kiểm soát.

Theo đó, kể từ ca mắc 268 được ghi nhận sáng 16/4, đến nay tròn 5 ngày, con số bệnh nhân vẫn được duy trì. Trong đó, có 160 người từ nước ngoài chiếm 59,7%; 108 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 40,3%.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 75.799, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 268;

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 15.368;

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 60.163.

Đặc biệt tín hiệu vui mừng là số bệnh nhân điều trị tại các cơ sở y tế hiện chỉ còn 53 trường hợp. Trong đó, số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2 là 14 ca. Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2 là 7 ca.

Vì sao bệnh nhân 188 tái dương tính?

Về ca bệnh 188 tái dương tính trở lại sau 3 ngày được ra viện, cách ly tại nhà, Bộ Y tế cho biết, bệnh nhân được tính là đang theo dõi 14 ngày sau khi kết thúc điều trị, vì xét nghiệm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vào ngày 19/4 cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Do đó hiện nay còn 53 bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại 09 cơ sở y tế.

Sáng 21/4, Việt Nam tròn 5 ngày  không ghi nhận ca mắc Covid-19 - 1

Bệnh nhân 188 trong ngày ra viện tại BV Đa khoa Hà Nam.

Lý giải về trường hợp tái dương tính này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phân tích: "Sau 2 lần xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, bệnh nhân 188 đã được bệnh viện công bố khỏi bệnh, đồng thời thông báo với Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Hà Nội và đưa về cách ly tại nhà ở Chương Mỹ, Hà Nội.

Chỉ ngày thứ 3 sau ra viện, bệnh nhân có biểu hiện ho, tức ngực và được báo cho CDC Hà Nội. Sau đó, CDC của huyện Chương Mỹ đến lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm của bệnh nhân là dương tính với SARS-CoV-2. Tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân được xét nghiệm vào 13h ngày 18/4 và đến sáng 19/4 đã có kết quả xét nghiệm bằng kỹ thuật Real Time PCR âm tính.

Đây là 2 kết quả mang tính chất ngược nhau trong thời gian rất ngắn trên một đối tượng bệnh nhân. Chúng tôi nhận định, có thể là vấn đề liên quan đến khả năng, năng lực xét nghiệm trong tình huống ở các đơn vị phải xét nghiệm một số lượng lớn có thể đặt ra vấn đề lây nhiễm chéo giữa các mẫu bệnh phẩm hay không?", Thứ trưởng Sơn nói.

Mẫu xét nghiệm của bệnh nhân 188 được lấy ngày 18/4 (cùng ngày với CDC Hà Nội xét nghiệm), kết quả trả vào ngày 19/4. Mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân được xét nghiệm khẳng định bằng phương pháp Real- time PRC tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Vì thế, với vấn đề khẳng định các xét nghiệm và công bố ca dương tính ngay lập tức hay không, Bộ Y tế đề nghị vẫn phải có quy trình để kiểm tra thông tin, kỹ thuật và năng lực trước khi công bố với dư luận, nhằm tránh tình trạng xáo trộn, hoang mang”- Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu- nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết, trên thế giới, cụ thể là Hà Quốc đã báo cáo hơn 100 ca tái nhiễm Covid-19 sau khi khỏi bệnh hoàn toàn.

Đến nay, trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hàn Quốc (KCDC) đang điều tra thêm sự việc này bằng cách chạy các xét nghiệm khác. Tổ chức Y tế Thế giới cũng đang tìm hiểu thêm trước khi đưa ra câu trả lời chắc chắn.

PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, tình trạng tái dương tính trở lại có thể do một số nguyên nhân sau:

- Có thể có sự hoạt động trở lại của lượng virus còn tồn đọng trong cơ thể bệnh nhân. Nếu hệ miễn dịch của bệnh nhân chưa phát triển được đủ để chống lại virus hoặc hệ miễn dịch bị yếu đi sau khi hồi phục, lượng virus trước đây chưa được phát hiện có thể được kích hoạt trở lại.

Cũng có thể, loại virus mới này có khả năng tồn tại trong trạng thái "ngủ" trước khi được kích hoạt trở lại. Bên cạnh đó, test xét nghiệm có thể phát hiện ra những phần "chết" của virus, không còn khả năng lây nhiễm hay lây lan.

Tú Anh