Vi khuẩn lao đang “khỏe” hơn
Ngoài 19% số bệnh nhân lao bị kháng thuốc sau khi đã điều trị lao còn có 2,7% trong số những bệnh nhân vừa mới mắc lần đầu cũng bị kháng thuốc.
Một bệnh nhi nhiễm lao đang được điều trị tại bệnh viện Phổi TƯ
Bác sĩ Đoàn Văn Hiển, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Phổi TƯ, cho biết hầu hết bệnh nhân lao đa kháng thuốc là do điều trị lần đầu không theo đúng phác đồ. Có trường hợp mới dùng thuốc chống lao vài 3 tháng, thấy khỏe hơn nên đã ngừng thuốc trong khi quá trình điều trị cần phải kéo dài 6-8 tháng.
Do con người tạo ra
TS.BS Nguyễn Viết Nhung, PGĐ Bệnh viện Phổi TƯ, Phó Chủ nhiệm Chương trình Phòng chống lao quốc gia, cho rằng lao kháng thuốc chính là sản phẩm do con người tạo ra. Tức là vi khuẩn lao kháng thuốc xuất phát từ những bệnh nhân đã được điều trị không đúng nguyên tắc. Ngoài ra, còn do thầy thuốc kê đơn không đúng, không tư vấn đầy đủ cho bệnh nhân, không theo dõi một cách chặt chẽ.
“Nếu điều trị không đầy đủ, vi khuẩn sẽ kháng thuốc, bệnh sẽ nhanh chóng trở lại và rất khó điều trị. Những trường hợp này nếu không được điều trị sẽ tiếp tục lây lan cho cộng đồng. Một số người mắc lao đa kháng thuốc ngay từ lần mắc đầu tiên, nếu không được chữa trị đúng sẽ có nguy cơ chuyển thành lao siêu kháng thuốc nguy hiểm hơn, tức là kháng luôn với cả thuốc chống lao hàng 2 là loại thuốc dùng để điều trị cho bệnh nhân lao đa kháng thuốc”, TS Nhung cho biết.
Bác sĩ Hiển cảnh báo bệnh nhân lao kháng thuốc là nguồn lây lao nguy hiểm cho cộng đồng vì vi trùng từ người bệnh lây sang cho người lành là vi trùng đã kháng với các loại thuốc lao. Vì vậy, người chưa từng mắc lao khi nhiễm vi khuẩn này sẽ trở thành người mắc lao kháng thuốc, đa kháng thuốc. Do vậy, ngoài 19% số bệnh nhân lao bị kháng thuốc sau khi đã điều trị lao thì có 2,7% trong số những bệnh nhân mới mắc lần đầu đã bị lao kháng thuốc.
Chưa có vắc-xin
Thông thường, tỉ lệ điều trị cho bệnh nhân lao khỏi bệnh là 90% nhưng với lao kháng thuốc thì việc điều trị vô cùng khó khăn và chi phí cao gấp cả trăm lần, nguy cơ tử vong cũng rất cao. Chương trình Phòng chống lao quốc gia đã triển khai thí điểm phác đồ điều trị bệnh nhân lao đa kháng thuốc từ năm 2009 tại TPHCM, nay mở rộng ra 5 điểm nữa là Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, Bình Định và Bệnh viện 74 Trung ương.
Tuy nhiên, theo TS-BS Nguyễn Viết Nhung, số lượng bệnh nhân lao đa kháng thuốc được tiếp cận còn chưa cao. Dự kiến đến hết năm 2011, cả nước mới có khoảng 900 bệnh nhân lao đa kháng thuốc được điều trị. Chương trình Phòng chống lao quốc gia đang có kế hoạch mở rộng hơn nữa để tất cả bệnh nhân lao đều được phát hiện và điều trị.
Vi khuẩn lao đang “khỏe” hơn trong khi thuốc kháng sinh điều trị lao mới nhất cũng đã được sản xuất cách đây gần 40 năm. Phương pháp soi đờm cũng chỉ phát hiện được 60% bệnh nhân nhiễm lao và chưa có vắc-xin phòng chủng lao phổ biến đang lưu hành. Vì thế hằng năm, Việt Nam vẫn có thêm 180.000 bệnh nhân lao mới, trong đó có 20.000 người chết do lao.
Theo Ngọc Dung
Người lao động