Vẻ ma mị của những tế bào ung thư đạt giải trong cuộc thi nhiếp ảnh

(Dân trí) - Bức ảnh đạt giải nhất ghi lại các tế bào gốc trong hệ thần kinh của chuột, được sử dụng để nghiên cứu u nguyên bào thần kinh đệm, một trong những dạng ung thư não nguy hiểm nhất.

Cuộc thi ảnh “Khoa học và Y khoa IRC” là nơi diễn ra màn tranh tài của những bức ảnh khoa học, được tổ chức bởi 2 cơ sở nghiên cứu hàng đầu của Vương quốc Anh là: Viện nghiên cứu Ung thư (ICR) và Bệnh viện Hoàng gia Marsden, đều có trụ sở tại thủ đô Luân Đôn.

Được biết, cuộc thi này đã được tổ chức trong 3 năm qua, và mới đây tác phẩm giành ngôi vị quán quân của năm thứ 3 đã được xướng tên, và nó là một bức ảnh liên quan đến… ung thư.

Vẻ ma mị của những tế bào ung thư đạt giải trong cuộc thi nhiếp ảnh - 1

Bức ảnh đạt giải nhất của nhà khoa học Sumana Shrestha, ghi lại các tế bào gốc trong hệ thần kinh của chuột, được sử dụng để nghiên cứu u nguyên bào thần kinh đệm (một trong những dạng ung thư não nguy hiểm nhất). Trong bức hình này, các tế bào có hình dạng giống ngôi sao màu xanh được gọi là tế bào thần kinh đệm hình sao và phần màu đỏ là nơ ron thần kinh. Được biết, bức ảnh này được Sumana chụp bằng công nghệ kính hiển vi đồng tiêu, một loại kính hiển vi quang học có khả năng loại bỏ ánh sáng hoặc hào quang không mong muốn. Kết hợp với kỹ thuật nhuộm màu để làm nổi bật các tế bào. Theo chia sẻ của Sumana, nội dung bức ảnh có liên quan đến nghiên cứu điều trị ung thư, thông qua điều chỉnh hàm lượng mARN (phân tử trong tế bào điều hòa biểu hiện gen) mà cô đang thực hiện.

Vẻ ma mị của những tế bào ung thư đạt giải trong cuộc thi nhiếp ảnh - 2

Một tác phẩm dự thi khác của Sumana cũng dành được nhiều sự quan tâm chính là bức ảnh về các vật thể giống quả bóng golf, thực chất là các hạt siêu nhỏ được sử dụng để ngăn ngừa sự xâm lấn của ung thư. Theo Sumana mô tả, các hạt này được xử lý với axit để tạo ra các lỗ rỗng trên bề mặt. Ngoài ra, nó còn được bọc bởi một lớp vàng mỏng đến khó tin. Thông thường, các hạt siêu nhỏ được ứng dụng để vận chuyển thuốc trong cơ thể. Tuy nhiên, nhờ vào việc tạo thêm các hoa văn trên bề mặt, hạt này có thể hỗ trợ để kiểm soát quá trình phân chia và lớn lên của tế bào ung thư.

Vẻ ma mị của những tế bào ung thư đạt giải trong cuộc thi nhiếp ảnh - 3

Bức ảnh trên đây là tác phẩm dự thi của 3 nhà khoa học Vicky Bousgouni, Chris Bakal và David Robinson. Theo mô tả, phần màu xanh trong hình chính là tế bào ung thư hắc tố (một loại ung thư da) đang xâm lấn giữa mạng lưới các sợi collagen (màu xám). Được biết, đây là một trong những bức ảnh 3D đầu tiên về tế bào ung thư, được chụp bằng kính hiển vi điện tử quét. Bức ảnh có liên quan đến nghiên cứu sử dụng mạng lưới collagen, để quan sát cách xâm lấn của tế bào ung thư vào các mô khỏe mạnh, trong quá trình di căn.

Vẻ ma mị của những tế bào ung thư đạt giải trong cuộc thi nhiếp ảnh - 4

Để tạo ra bức ảnh độc đáo này, 2 nhà khoa học Nick Moser và Chris Bakal đã sử dụng chùm tia ion để “thổi bay” một phần của tế bào và để lộ ra lỗ rỗng hình tam giác như chúng ta đang thấy. Cụ thể hơn, chùm tia ion đã cắt qua tế bào ung thư hắc tố di căn và cả môi trường đang dùng để nuôi cấy nó. Với kỹ thuật này, các nhà nghiên cứu có thể nhìn sâu vào bên trong tế bào ung thư và thấu hiểu được những gì đang diễn ra bên trong nó.

Minh Nhật

Theo New Scientist