Vật lý trị liệu cho người đột quỵ cần: sớm, đúng, đủ

(Dân trí) - Nên tập vật lý trị liệu 24 giờ sau đột quỵ khi huyết áp đã ổn định sẽ giúp bệnh nhân hồi phục chức năng vận động một cách nhanh chóng.

Sau khi được cấp cứu đột quỵ bệnh nhân thường được khuyên tập vật lý trị liệu (VLTL) “càng sớm càng tốt”. Vậy như thế nào là sớm, và liệu tập sớm có gây ra tai biến gì hay không? Với câu hỏi này, TS. BS Nguyễn Huy Thắng, trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, BV Nhân dân 115 (TPHCM) trả lời: “Nên tập VLTL 24 giờ sau đột quỵ, khi huyết áp đã ổn định là tốt nhất. Chúng tôi đang thực hiện các video clip về các bài tập VLTL để bệnh nhân ở các tỉnh xa tham khảo và áp dụng”.

Tại BV Nhân dân 115, tập VLTL được thực hiện ngay sau thời gian cấp cứu đột quỵ là một phần quan trọng trong lộ trình đưa bệnh nhân trở về hòa nhập với cuộc sống. Công việc này được thực hiện ở 3 mức độ, dành cho bệnh nhân bị tổn thương não từ nặng đến nhẹ: 1. Kỹ thuật viên tập hoàn toàn cho bệnh nhân, 2. Kỹ thuật viên và người nhà thay phiên tập cho bệnh nhân, 3. Người nhà và bệnh nhân tự tập.

Tập VLTL giúp người bệnh hồi phục chức năng vận động, duy trì lực của cơ và lưu thông máu huyết. Bệnh nhân cần tập bên bị liệt, đồng thời được khuyến khích tập bên còn khỏe duy trì lực cơ . Nếu không duy trì vận động, bệnh nhân sẽ dễ bị cứng khớp.
 
Động tác tập tay cho bệnh nhân khi nằm: cần vận động khớp vai, khuỷu tay, cổ tay và các ngón
Động tác tập tay cho bệnh nhân khi nằm: cần vận động khớp vai, khuỷu tay, cổ tay và các ngón
 
Động tác tập tay cho bệnh nhân khi nằm: cần vận động khớp vai, khuỷu tay, cổ tay và các ngón
Một trong các động tác tập chân khi bệnh nhân ngồi dậy được: đặt chân yếu lên trên chân khỏe rồi nâng lên hạ xuống
 
Việc tập VLTL tại bệnh viện nhằm hướng dẫn cho bệnh nhân và người nhà biết cách tập để có thể thực hiện tại nhà. Kỹ thuật viên khuyến khích người nhà rảnh rỗi lúc nào thì tập lúc đó. Tuy nhiên, nếu vừa mới uống sữa hoặc ăn cháo thì phải đợi 30 phút sau mới tập để tránh bị trào ngược dạ dày.
 
Không chỉ người bị đột quỵ mà tất cả bệnh nhân phải nằm dưỡng bệnh lâu ngày rất cần tập vật lý trị liệu để giúp duy trì lực cơ.

Kỹ thuật viên VLTL Trần Thị Minh Tâm, công tác tại khoa Bệnh lý mạch máu não, BV Nhân dân 115 cho biết: “Mỗi bài tập có nhiều động tác, tùy theo bệnh trạng và lực cơ của bệnh nhân. Ví dụ: Người đã phẫu thuật tim cần phải thận trọng với động tác giơ tay lên cao. Người bị bán trật khớp, người bị gãy xương, người đột quỵ, người bại liệt có bài tập khác nhau. Người bị liệt hoàn toàn, bị liệt ở bậc 3, bậc 5 mức độ tập khác nhau”.

Khi bệnh nhân phải nằm nhiều, các vị trí chịu lực đè của cơ thể như: lưng, mông, gót chân, mắt cá chân… rất dễ lở loét. Vì vậy, cách 1,5 - 2 giờ đồng hồ người nhà nên giúp bệnh nhân xoay trở 1 lần để tránh lở loét hoặc giúp vết loét mau lành.
 
Tư thế nằm nghiêng giúp bệnh nhân phòng tránh và điều trị lở loét
Tư thế nằm nghiêng giúp bệnh nhân phòng tránh và điều trị lở loét
 
Kỹ thuật viên Trần Thị Minh Tâm chia sẻ: “Cứ hình dung một người bình thường mỗi ngày cần vận động bao nhiêu thì người nằm một chỗ cũng cần vận động như vậy. Lưu ý, mỗi bệnh nhân khi bắt đầu tập VLTL đều phải được kỹ thuật viên hướng dẫn, và phải được bác sĩ chỉ định tập ở mức độ nào là phù hợp. Vì nếu tập sai, hậu quả cũng rất khôn lường”.
 
Bài tập VLTL dành cho người đột quỵ gồm nhiều giai đoạn, lộ trình cơ bản như sau:
 
Bệnh nhân chưa ngồi dậy được:
- Tập co duỗi tay và các ngón
- Tập co duỗi chân.
- Chú ý thỉnh thoảng cho bệnh nhân xoay cổ (ngoại trừ bệnh nhân bị đau ở cổ)
- Xoay trở tư thế nằm
- Giai đoạn này chưa tập lưng
 
Bệnh nhân ngồi dậy được:
- Tập ngồi dậy (chú ý khi đỡ bệnh nhân ngồi dậy nên nâng phần vai, tránh nâng đầu/cổ bệnh nhân)
- Tập tay khi ngồi
- Tập chân khi ngồi
 
Bệnh nhân đứng được: tập đứng, tập đi…
 
Trong giai đoạn đột quỵ cấp, bài tập chỉ gồm những động tác nhẹ, đơn giản, thực hiện tại giường. Khi sức khỏe bệnh nhân tiến triển, bài tập sẽ nâng cao hơn.
 
Hồng Nhung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm