Vắt dài 3cm chui lên mũi bệnh nhân
(Dân trí) - Sau buổi đi làm nương, anh Triệu Công V (sinh năm 1994, Trung Sơn, Yên Sơn, Tuyên Quang) lấy tay vốc nước, rửa mặt và uống nước trong khe suối gần nhà. Sau khi về nhà, anh bị ngạt, tắc và chảy máu một bên mũi.
Sáng 22/5, khó chịu vì tình trạng ngạt, chảy mũi, anh V đã đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang khám, bác sĩ phát hiện bất một con vắt vẫn còn sống nằm sâu trong cuốn mũi bệnh nhân. Các bác sĩ đã tiến hành nội soi, gắp ra con vắt dài 3cm đang ngọ nguậy ra khỏi khe cuốn giữa mũi trái của người bệnh.
Anh V cho biết, trước đó 3 ngày sau khi đi làm nương về, anh có rửa mặt và uống nước trong khe suối gần nhà. Sau khi về nhà bên mũi trái bị ngạt, tắc và chảy máu nhưng anh không nghĩ là có vắt chui vào. Đến ngày thứ 3, thấy mũi trái vẫn liên tục chảy máu, ngạt không thở được anh mới đến viện khám.
Theo Bác sỹ Vũ Thị Kim Chi, người thực hiện ca nội soi gắp con vắt ra khỏi mũi bệnh nhân, tình trạng ngạt, chảy máu mũi là do con vắt bám vào niêm mạc mũi và hút máu trong mũi gây rối loạn đông máu. Sau khi gắp được con vắt ra, tình trạng bệnh nhân ổn định, trở về như bình thường.
BS Chi cho biết thêm, vắt là vật sống có giác hút rất chặt. Nguy hiểm ở chỗ nó không chỉ bám, hút máu tại chỗ mà có thể di chuyển ra mũi sau xuống sâu vùng thanh quản, phế quản khi đó rất khó phát hiện.
Vì thế, người dân khi đi rừng, đi nương không nên rửa mặt hay uống nước ở khe suối, sông, hồ, phòng nguy cơ vắt có trong nước xâm nhập vào mũi, họng trú ngụ và gây những triệu chứng bệnh khó chịu.
Tú Anh