Vào viện tâm thần vì áp lực sinh con trai

(Dân trí) - Đẻ xong được mấy ngày, N.T.H (Ninh Bình) thắt cái khăn lên trần rồi định tự tử, may chồng phát hiện kịp thời. Đó là bi kịch của người phụ nữ phải chịu nhiều áp lực sinh con nối dõi tông đường.

BS. Tạ Thị Ngân, Phó trưởng khoa 3, Bệnh viện tâm thần trung ương I

BS. Tạ Thị Ngân, Trưởng khoa 3, Bệnh viện tâm thần trung ương I vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại câu chuyện của bệnh nhân H.

 


Hai lần tự sát không thành, H mất đi sự tự chủ của bản thân. Không muốn tiếp xúc với ai,ít nói hơn, H như trở thành một con người khác, chán gia đình, chán chồng, bỏ mặc hai đứa con thơ. Trong tiềm thức của người đàn bà này chỉ nghĩ đến duy nhất một việc đó là mình không sinh được con trai, chồng mình sẽ đi với người khác, gia đình tan vỡ, sức khỏe yếu làm sao sinh được thêm con nữa.

 

Năm 24 tuổi, H. lấy chồng và hạnh phúc với đứa con gái đầu lòng chưa kịp tròn thì áp lực sinh con thứ 2 phải là trai gia tăng, khi chị dâu từng sinh 2 con gái, phải sinh thêm con thứ 3 để giữ chồng khỏi đi theo người đàn bà khác.

 

Áp lực đó cùng với sức khoẻ của H vốn đã không tốt, nên tinh thần ngày càng sa sút và luôn trong tâm trạng lo lắng đến mức sẩy thai khi mang thai được 3 tháng. Thời điểm đó là năm 2011,  khi mới có thai được 2 tháng, chưa siêu âm H. đã rất sợ hãi, muốn bỏ thai.

 

“Tâm lý đè nặng, sức khỏe yếu nên việc sinh con là khá khó khăn và nguy hiểm. Nhà chồng lại muốn có quý tử nên khi chửa con thứ 2, H. mới bị áp lực đến mức ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần”, BS. Tạ Thị Ngân cho biết.

 

Năm 2012, quyết tâm sinh bằng được quý tử, 2 vợ chồng H, đã kiêng cữ, cắt thuốc rồi siêu âm tính ngày rụng trứng… nhưng niềm vui có mang vụt tắt khi tháng thứ 4 siêu âm, bác sĩ cho biết thai là con gái. Vậy là H. đòi phá thai trong khi bác sĩ khuyên không nên vì khả năng sinh sản sẽ kém đi.

 

Chị gái kể lại những tâm sự của H giọng nghẹn ngào: “Ai mà hỏi em tôi là bầu con trai hay con gái, em bảo con gái. Họ bảo ôi thế thì tốt quá còn gì thì em vui cả ngày. Còn ai mà bảo thôi cố đẻ thêm thằng con trai nữa, thì em buồn cả tuần, chán không muốn làm gì”.

 

Vậy là suốt trong thời gian mang thai, H buồn bã, đến tuần 34 vẫn đòi đi phá. Đến lúc sinh con, H. không muốn chăm sóc dù vẫn cho con bú, chán chồng, chán cả con lớn bởi họ hàng, gia đình. Sau 3 ngày không muốn tiếp xúc với người đến thăm, ai đến H. cũng đòi đi chỗ khác, H thắt cái khăn tã lên trần rồi định tự tử nhưng chồng đã phát hiện kịp thời.

 

Về nhà đẻ tình hình cũng không khá hơn. Lúc nào H. cũng nói: “Bây giờ em chỉ muốn chết thôi chị ạ” vì “Cứ đêm đến có người lảng vảng hỏi tại sao mày lại đẻ con gái”. Vậy là H. trèo lên tầng thượng nhà mẹ đẻ thắt cổ bằng tã của con lần thứ 2. Gia đình đã đưa H đến bệnh viện để điều trị.

 

BS. Tạ Thị Ngân cho biết thêm: “Hiện nay, áp lực phải đẻ được con trai cũng khá phổ biến, bởi vì tâm lý ai cũng muốn có người nối dõi tông đường. Nhưng cũng phải tùy thuộc vào sức khỏe của người phụ nữ. Những áp lực tâm lý sẽ làm cho bệnh nhân gặp phải những sang chấn về tâm lý dẫn đến những hành động không kiểm soát được bản thân, nguy hiểm đến sức khỏe bản thân cũng như trở thành gánh nặng cho gia đình”. 

 

Thanh Huyền