Vắc-xin HPV giúp giảm đáng kể nguy cơ ung thư cổ tử cung
(Dân trí) - Một nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng việc triển khai tiêm chủng vắc-xin HPV ở Scotland đã giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh ung thư cổ tử cung ở nữ giới.
Năm 2008, Vương quốc Anh đã giới thiệu một chương trình tiêm chủng trên toàn quốc, trong đó tất cả các bé gái từ 12 đến 13 tuổi được tiêm chủng ngừa hai trong số các chủng papilloma virus gây rắc rối nhất ở người là HPV 16 và HPV 18, chúng là nguyên nhân gây ung thư ở cả phụ nữ và nam giới.
Thành công của chương trình tiêm chủng vắc-xin đã được chứng minh là rất đáng chú ý. Theo báo cáo trên Tạp chí Y học Anh, số phụ nữ có dạng tế bào tiền ung thư nghiêm trọng nhất trong cổ tử cung của họ đã giảm tới 89% trong một thập kỷ qua.
Theo lời của các nhà nghiên cứu, vắc-xin HPV đã trực tiếp dẫn đến việc giảm một cách đáng kể về bệnh ung thư cổ tử cung.
Một nhóm các nhà nghiên cứu từ nhiều trường đại học ở Scotland đã phân tích hồ sơ y tế của 138.692 phụ nữ ở Scotland. Họ đã cho ra kết quả bằng cách so sánh tỷ lệ các tế bào tiền ung thư trong cổ tử cung giữa những phụ nữ chưa được tiêm chủng sinh năm 1988 và những phụ nữ được tiêm chủng sinh năm 1995 và 1996.
Điều thú vị là nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ngay cả những phụ nữ chưa được tiêm chủng cũng đang gặt hái những lợi ích và báo cáo sự sụt giảm đáng kể về mức độ bệnh.
Đây là một hiệu ứng được gọi là “bảo vệ bầy đàn” hoặc “miễn dịch bầy đàn”, trong đó những người không được tiêm chủng được bảo vệ hiệu quả khỏi một bệnh truyền nhiễm nếu một phần lớn dân số được tiêm phòng. Bệnh không thể lây lan đủ nhanh vì nó gặp quá nhiều người được tiêm phòng và bị chặn đường.
Australia hiện đang trên đường trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới loại bỏ ung thư cổ tử cung nhờ chương trình vắc-xin toàn diện. Xa hơn, mô hình này cho thấy bệnh ung thư cổ tử cung sẽ hoàn toàn bị xóa sổ ở 149 trên tổng số 181 quốc gia vào năm 2100 nếu tốc độ tiến triển hiện tại tiếp tục.
Khôi Nguyên (Theo IFL Science)