1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vắc-xin HPV có an toàn không?

(Dân trí) - Có rất nhiều nhầm lẫn xung quanh papillomavirus ở người, hay HPV: nó là gì, nó gây ra bệnh gì, làm thế nào để phòng ngừa, và hay gặp nhất là liệu vắc-xin HPV có thực sự an toàn .

Vắc-xin HPV có an toàn không? - 1

HPV là gì?

Dưới đây là những điều cơ bản: Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), HPV là một nhóm gồm hơn 150 loại vi-rút cùng họ. Vi-rút lây truyền qua tiếp xúc da kề da, và có thể nhiễm bệnh khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng với người có vi-rút. Điều này rất phổ biến: 80% mọi người sẽ bị nhiễm vi-rút HPV trong đời.

Nghe có vẻ đáng sợ, nhưng trong hầu hết các trường hợp, HPV sẽ biến mất mà không có bất kỳ dấu hiệu nào và không dẫn đến các vấn đề sức khỏe. Khi HPV không biến mất, nó có thể dẫn đến bệnh sùi mào gà và ung thư. Điều cần lưu ý là 25% nam giới và 20% phụ nữ trong độ tuổi từ 18 đến 59 bị nhiễm các chủng gây ung thư.

Vắc-xin HPV là gì?

Cách tốt nhất để ngăn ngừa các loại vi-rút gây hại này là tiêm vắc-xin HPV, lần đầu tiên được đề xuất vào năm 2006, nhưng mọi người vẫn rất e dè với nó.

“Đây là loại vắc-xin duy nhất chúng ta có để ngăn ngừa ung thư”, bác sĩ Donnica Moore, chủ tịch của Tập đoàn Sapphire Women’s Health Group ở New Jersey cho biết. Vắc-xin HPV bảo vệ chống lại các chủng vi-rút đã được chứng minh là gây ung thư cổ tử cung, âm đạo, âm hộ và dương vật, cũng như một số bệnh ung thư miệng và họng.

Ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ liên quan đến HPV là ung thư cổ tử cung. Ở nam giới, ung thư đầu và cổ thường liên quan nhất. Một minh chứng khá nổi tiếng về mối nguy hiểm này là ung thư vòm họng liên quan đến HPV của diễn viên Michael Douglas, được phát hiện và điều trị vào năm 2010.

Vắc-xin HPV có an toàn không? Vắc-xin HPV có hiệu quả không?

Vắc-xin HPV là an toàn và hiệu quả: Theo CDC, vắc-xin cung cấp tấc dụng bảo vệ gần 100% chống lại tiền ung thư cổ tử cung và sùi mào gà. Nhiễm HPV và tiền ung thư cổ tử cung đã giảm đáng kể kể từ khi vắc-xin được sử dụng: trong số các bé gái tuổi thiếu niên, nhiễm HPV gây ra hầu hết các trường hợp ung thư và sùi mào gà do HPVc đã giảm 71%; Trong số nữ thanh niên, nhiễm những týp HPV gây ra hầu hết các trường hợp ung thư và sùi mào gà đã giảm 61%; và trong số những phụ nữ được tiêm chủng, tiền ung thư cổ tử cung do các týp HPV gây ra đã giảm 40%.

Những ai nên tiêm vắc-xin HPV?

Hiện tại, vắc-xin được khuyên dùng cho nữ thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 9 đến 26, BS. Melissa Simon, phó chủ nhiệm nghiên cứu lâm sàng tại khoa phụ sản trường Y Fbergberg thuộc Đại học Tây Bắc ở Chicago cho biết. Vắc-xin cũng khuyến nghị cho nam thanh thiếu niên từ 9 đến 21 tuổi.

Đối với trẻ em từ 9 đến 14 tuổi, khuyến nghị là hai liều, cách nhau 6 tháng. Nếu bắt đầu sau 14 tuổi, khuyến nghị là ba liều trong 6 tháng.

Tháng 10 năm 2018, Cục Quản lý Thực phẩm & Dược phẩm Mỹ đã phê duyệt sử dụng vắc-xin HPV mở rộng cho những người từ 27 đến 45 tuổi.

Nhiều bậc cha mẹ lo lắng rằng việc cho trẻ tiêm vắc-xin chống lại bệnh lây truyền qua đường tình dục sẽ khiến trẻ quan hệ tình dục bừa bãi, nhưng các chuyên gia cho rằng điều đó không đúng.

“Đây không phải là thứ khiến chúng muốn quan hệ tình dục nhiều hơn,” BS. Simon nhận xét, song nếu sự lo lắng đó là thứ kiềm chế bọn trẻ, thì chỉ cần nói với con rằng chúng được tiêm vắc-xin để ngăn ngừa ung thư.

Trong khi trẻ em dễ phát triển các nhiễm HPV mới nhất, thì ngày càng nhiều phụ nữ ở độ tuổi 50 có xét nghiệm dương tính với vi-rút này. Nguyên nhân rất có thể là do những mối quan hệ mới sau khi ly hôn.

Hãy trao đổi với bác sĩ nếu bạn nghĩ rằng mình có thể được lợi từ việc tiêm vắc-xin HPV.

Cẩm Tú

Theo Today