1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vắc xin Covid-19 ngăn chặn virus và nhiễm không triệu chứng

Cẩm Tú

(Dân trí) - Khi các vắc xin Covid-19 hiệu quả đã được cấp phép và bắt đầu phân phối, một câu hỏi quan trọng đặt ra là: Liệu vắc xin có ngăn chặn virus lây lan không?

Vắc xin Covid-19 ngăn chặn virus và nhiễm không triệu chứng - 1

Một người đàn ông được tiêm vắc xin Covid-19 tại một cơ sở y tế ở Rehovot, Israel, ngày 14/1/2021.

Trong các thử nghiệm lâm sàng, Pfizer và Moderna đã chứng minh vắc xin ngăn ngừa Covid-19 có triệu chứng, nhưng họ chưa kiểm tra xem liệu vắc xin có ngăn ngừa các trường hợp nhiễm không triệu chứng hay không. Nếu không hạn chế được các trường hợp nhiễm không triệu chứng, sẽ rất khó để ngăn chặn sự lây truyền từ người sang người.

Nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những người đã tiêm vắc xin không lây truyền virus.

Pfizer tuyên bố vắc xin của họ có hiệu quả 94% trong việc ngăn ngừa nhiễm không triệu chứng hai tuần sau khi tiêm liều thứ hai. Nghiên cứu đã so sánh những người không tiêm ở Israel với những người đã tiêm vắc xin Pfizer trong khoảng thời gian từ ngày 17 tháng 1 đến ngày 6 tháng 3.

Những người đã tiêm chủng sẽ ít lây bệnh hơn nếu bị nhiễm

Nghiên cứu cho thấy một người có càng nhiều hạt virus trong miệng và mũi - được gọi là tải lượng virus - thì càng dễ lây truyền virus cho người khác. Tải lượng virus giảm có liên quan đến tỷ lệ lây truyền thấp hơn.

Vì vậy, vắc xin sẽ làm giảm lây truyền nếu nó có thể đảm bảo rằng ngay cả những người vẫn bị nhiễm virus sau khi tiêm phòng, dù là có triệu chứng hay không có triệu chứng, đều có tải lượng virus thấp hơn so với những trường hợp khác.

Một nghiên cứu hồi tháng 2 từ Israel cho thấy bắt đầu từ 12 ngày sau khi tiêm, những người bị nhiễm Covid-19 mặc dù đã tiêm vắc xin Pfizer có ít virus hơn 4 lần.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét hơn 1.000 người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus sau khi được tiêm phòng đầy đủ ở Tel Aviv. Tải lượng virus của những người này trong khoảng thời gian từ 12 đến 28 ngày sau khi tiêm liều thứ hai thấp hơn 4 lần so với tải lượng virus của họ trong 11 ngày đầu tiên sau khi tiêm.

Một nghiên cứu khác từ Israel cho thấy vắc xin Pfizer làm giảm tải lượng virus tới 20 lần.

Một số nghiên cứu cho thấy tải lượng virus có liên quan đến mức độ nặng của bệnh, vì vậy bệnh nhân có tải lượng virus thấp hơn cũng ít có nguy cơ mắc Covid-19 nặng hơn. Điều này có thể lý giải một phần tại sao vắc xin Pfizer làm giảm đáng kể nguy cơ nhiễm có triệu chứng.

Những người được tiêm ít có nguy cơ nhiễm không triệu chứng

Để xác định liệu vắc xin có thực sự làm giảm lây lan hay không, điều quan trọng là phải xác định xem vắc xin có ngăn ngừa các trường hợp Covid-19 không triệu chứng ngoài các ca nhiễm có triệu chứng hay không.

Các thử nghiệm lâm sàng của Pfizer và Moderna chỉ xét nghiệm Covid-19 cho các tình nguyện viên nếu họ cảm thấy bị ốm. Nếu không, các công ty sẽ phải yêu cầu xét nghiệm Covid-19 thường xuyên cho hàng chục nghìn tình nguyện viên. Vì vậy, ban đầu, cả hai công ty đều không thể nói liệu vắc xin có ngăn ngừa được các trường hợp nhiễm không triệu chứng hay không.

Nhưng Moderna đã xét nghiệm cho các tình nguyện viên vào ngày họ tiêm mũi thứ hai. Và những phát hiện cho thấy có ít trường hợp nhiễm không triệu chứng hơn ở những người đã được tiêm vắc xin thật so với những người tiêm giả dược. Chỉ có 14 người trong số hơn 14.000 người trong nhóm vắc xin của thử nghiệm bị nhiễm không triệu chứng vào ngày hôm đó, so với 38 ở nhóm giả dược có cỡ mẫu tương tự.

Mức giảm này tương đương 61,5%. Theo các chuyên gia, dữ liệu cho thấy vắc xin của Moderna ngăn chặn khoảng 91% sự lây truyền.

Các nghiên cứu trên động vật cũng đưa ra những phát hiện tương tự: Một bài báo vào tháng 10 cho thấy vắc xin Moderna ngăn chặn virus nhân lên trong mũi, họng và phổi của khỉ 4 tuần sau khi tiêm. Nếu các phần tử virus không thể tự sao chép, thì không có khả năng vật chủ bị nhiễm sẽ truyền các phần tử cho người khác.

Trước khi phát hiện của Pfizer được công bố hôm thứ Năm, một nghiên cứu sơ bộ trên tạp chí The Lancet cho thấy vắc xin này có hiệu quả ít nhất 85% trong việc ngăn ngừa bất kỳ loại nhiễm nào - có triệu chứng hoặc không có triệu chứng. Nghiên cứu đã xem xét hơn 23.000 nhân viên y tế tại các bệnh viện ở Anh.

Ngoài ra, một nghiên cứu gần đây cho thấy những người đã tiêm ít nhất một liều vắc xin mRNA - từ Pfizer hoặc Moderna - ít có khả năng xét nghiệm dương tính với nhiễm không triệu chứng 10 ngày sau khi tiêm hơn 72% so với những người chưa tiêm. Nghiên cứu đã xem xét hơn 39.000 người Mỹ.

Dữ liệu thử nghiệm của Johnson & Johnson về nhiễm không triệu chứng cũng có vẻ đầy hứa hẹn. Công ty đã kiểm tra các mẫu máu của gần 3.000 người tham gia để tìm kháng thể virus 71 ngày sau khi tiêm. (Sự hiện diện của các kháng thể cho thấy những người đã bị nhiễm ngay cả khi họ không biểu hiện triệu chứng). Chỉ có hai người được tiêm chủng cho kết quả dương tính, trong khi 16 người ở nhóm giả dược có kết quả như vậy, theo dữ liệu được công bố vào tháng trước từ FDA Mỹ.

Điều đó cho thấy vắc xin J&J có thể có hiệu quả 74% đối với nhiễm không triệu chứng, mặc dù FDA lưu ý rằng cần có thêm dữ liệu để chắc chắn.

Ngay cả vắc xin Oxford-AstraZeneca, vẫn đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng ở Mỹ, cũng làm giảm nhiễm không triệu chứng.

Một nghiên cứu hồi tháng 2 của Oxford cho thấy rằng trong số những người mới tiêm một liều, số xét nghiệm Covid-19 dương tính - ở cả những người có và không có triệu chứng - đã giảm 67%.