Vắc xin có phải là "lời giải" cho dịch Covid-19 ở Việt Nam hiện tại?

Minh Nhật

(Dân trí) - 2 ứng cử viên vắc xin Covid-19 đang được thế giới kỳ vọng có thể được phân phối vào cuối năm nay. Liệu đây có phải là thứ "vũ khí" tốt nhất mà chúng ta có trông chờ để kiểm soát đại dịch?

Cuộc đua sản xuất vắc xin Covid-19 của toàn thế giới đang đón nhận nhiều tín hiệu tích cực. Sản phẩm của liên doanh Pfizer (Mỹ)/BioNTech (Đức) và Moderna (Mỹ) hiện đang là những ứng cử viên đầy sáng giá, khi các kết quả thử nghiệm được công bố đều cho thấy, hiệu quả bảo vệ của 2 loại vắc xin này lên đến 95%.

Vắc xin có phải là lời giải cho dịch Covid-19 ở Việt Nam hiện tại? - 1

Sản phẩm vắc xin Covid-19 của liên doanh Pfizer (Mỹ)/BioNTech (Đức)

Trong kịch bản mọi việc suôn sẻ, vắc xin của Pfizer và BioNTech có thể sẽ được phân phối tại Mỹ vào ngày 15/12, trong khi ứng viên vắc xin của Moderna là 22/12.

Trong một diễn biến khác, ba hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ là: American Airlines, United Airlines và Delta Air Lines đang thử nghiệm các kế hoạch nhằm vạch ra quy trình, thủ tục, thiết bị cần thiết để có thể phân phối vắc xin Covid-19 ra khắp thế giới, trong nhiều điều kiện nhiệt độ đáp ứng các yêu cầu.

Tuy nhiên, theo BSCKII. Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đối với tình hình thực tế tại Việt Nam, chúng ta chưa nên hy vọng quá nhiều vào vắc xin Covid-19.

Vắc xin có phải là lời giải cho dịch Covid-19 ở Việt Nam hiện tại? - 2

BSCKII. Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Phân tích về quan điểm này, theo BS Cấp, có 4 nguyên nhân chính:

Thứ nhất, chi phí của các loại vắc xin Covid-19 của nước ngoài hiện rất đắt đỏ. Thậm chí, một số loại có giá lên đến 50-70 USD cho mỗi liều tiêm. "Do đó, để có thể chủng ngừa cho gần 100 triệu người dân Việt Nam sẽ tốn một khoản ngân sách vô cùng lớn", BS Cấp nhận định.

Thứ hai, ngay tại chính những nước đã sản xuất được vắc xin Covid-19 cho kết quả đầy hứa hẹn như: Nga, Mỹ hiện nay tình hình dịch cũng đang rất phức tạp. Vì vậy, các nước này sẽ phải ưu tiên cung cấp vắc xin Covid-19 cho công dân của nước mình nhiều hơn, so với việc xuất khẩu sang nước khác. Do đó, chúng ta không mong là sẽ có thể nhập được vắc xin Covid-19 sớm.

Vắc xin có phải là lời giải cho dịch Covid-19 ở Việt Nam hiện tại? - 3

Chúng ta chưa nên hy vọng quá nhiều vào vắc xin Covid-19

Ngay cả trong trường hợp nhập được vắc xin Covid-19 sớm, theo BS Cấp, sẽ nảy sinh một thử thách khác. BS Cấp cho hay: "Nếu có vắc xin Covid-19, sẽ vẫn cần một khoảng thời gian kéo dài để có thể chủng ngừa vắc xin cho toàn dân".

Lý do cuối cùng được chuyên gia này đưa ra liên quan đến hiệu quả bảo vệ của vắc xin Covid-19.

"Vì vắc xin Covid-19 được nghiên cứu và phát triển hết sức khẩn cấp, cho nên về mặt hiệu quả dù được đánh giá lên đến 90-95%, nhưng chưa thể biết thời gian bảo vệ này có thể kéo dài được bao lâu. Đó là còn chưa kể đến việc virus SARS-CoV-2 luôn luôn biến đổi", BS Cấp nhấn mạnh.

Từ những nguyên nhân vừa nêu, BS Cấp nhận định, đối với Việt Nam hiện nay, phòng bệnh vẫn là nhiệm vụ cốt yếu và quan trọng nhất, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

"Tình hình dịch ở Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào người dân Việt Nam. Nếu người dân tuân thủ tốt, phối hợp tốt với chính quyền, đảm bảo thực hiện các tiêu chí phòng chống dịch do Bộ Y tế đã đưa ra, thì hoàn toàn có thể tự tin là chúng ta có thể kiểm soát tốt được tình hình", BS Cấp nhấn mạnh.

Đến thời điểm này các nhà sản xuất vắc xin Covid-19 trong nước đang nỗ lực đẩy mạnh tiến độ triển khai nghiên cứu. Trong số này có 3 đơn vị là IVAC, VABIOTECH, NANOGEN đã hoàn thiện quy trình sản xuất quy mô phòng thí nghiệm và hiện đang đánh giá tính an toàn, tính miễn dịch của vắc xin trên động vật. Riêng NANOGEN đã hoàn thành giai đoạn này và chuẩn bị sẵn sàng để tiến tới thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1.

Ngày 10/12, NANOGEN phối hợp với Học viện Quân y sẽ chính thức tuyển tình nguyện viên tham gia vào giai đoạn 1 thử nghiệm vắc xin Covid-19 của Việt Nam.

Sau đó 1 tuần sẽ tiến hành tiêm mũi vắc xin thử nghiệm đầu tiên. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm