Vắc xin AZD2816 AstraZeneca thử nghiệm pha 3 nhằm chống lại biến chủng
(Dân trí) - Thử nghiệm sẽ thu tuyển khoảng 2.250 người trưởng thành để đánh giá tính an toàn và khả năng sinh miễn dịch của vắc xin AZD2816 trong việc chống lại virus SARS-CoV-2
Mới đây, AstraZeneca tuyên bố bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng pha II/III với vắc xin AZD2816 nhằm chống lại biến chủng Covid-19.
Theo đó, thử nghiệm sẽ thu tuyển khoảng 2.250 người trưởng thành để đánh giá tính an toàn và khả năng sinh miễn dịch của vắc xin AZD2816 trong việc chống lại vi rút SARS-CoV-2.
Những người tham gia vào thử nghiệm pha II/III của vắc xin AZD2816 mới của AstraZeneca, với mục tiêu chống lại các biến chủng Covid-19, đã được tiêm những mũi đầu tiên ngày 27/6/2021 nhằm đánh giá tính an toàn và khả năng sinh miễn dịch ở cả những người đã được tiêm chủng trước đó và những người chưa được tiêm chủng.
AZD2816 sẽ được thử nghiệm trên nhóm tình nguyện viên trước đó đã tiêm đủ hai liều vắc xin Covid-19 AstraZeneca hoặc một vắc xin thuộc nhóm mRNA khác, cách lần tiêm cuối của họ ít nhất ba tháng. Với nhóm tình nguyện viên chỉ mới tiêm liều đơn vắc xin Covid-19 AstraZeneca, họ sẽ được tiêm liều thứ hai là AZD2816 sau đó bốn tuần. Ở nhóm tình nguyện viên hoàn toàn chưa được tiêm phòng, họ sẽ được tiêm hai liều AZD2816 cách nhau từ bốn đến mười hai tuần.
AstraZeneca cho biết, vắc xin AZD2816 được thiết kế trên cùng công nghệ véc-tơ adenoviral như vắc xin Covid-19 AstraZeneca, với những thay đổi cấu trúc di truyền nhỏ trên protein gai (spike-protein) căn cứ theo biến thể Beta (B.1.351, 'Nam Phi').
Ngài Mene Pangalos, Phó Chủ tịch Điều hành, BioPharmaceuticals R&D, cho biết: "Việc chúng ta đón đầu các biến chủng của virus corona với những khác biệt trong cấu trúc di truyền là điều vô cùng quan trọng. AZD2816 sẽ giúp nâng cao đáp ứng miễn dịch của mỗi cá nhân chống lại các biến chủng mới xuất hiện. Việc triển khai thử nghiệm pha II/III đối với AZD2816 chính là để chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai nếu chúng ta cần một loại vắc xin chống lại được các biến chủng mới".
Giáo sư Andrew J Pollard, nghiên cứu viên chính và là trưởng nhóm nghiên cứu vắc xin của Đại học Oxford, cho biết: "Đánh giá hiệu quả việc tiêm nhắc của các loại vắc xin hiện có, và hiệu lực bảo vệ của các vắc xin đối với các biến chủng virus corona mới, là những dự án quan trọng để đảm bảo rằng chúng ta có sự chuẩn bị tốt nhất nhằm đối phó với đại dịch này, trong trường hợp khẩn thiết."
Thử nghiệm này dự kiến sẽ có dữ liệu sơ kì vào cuối năm nay và sẽ được đệ trình lên các cơ quan quản lý để đánh giá về loại vắc xin thế hệ mới này, thông qua một quy trình phê duyệt khẩn cấp.
Vắc xin Covid-19 AstraZeneca, trước đây được gọi là AZD1222 được đồng phát minh bởi Đại học Oxford và công ty con Vaccitech. Vắc xin này sử dụng véc-tơ virus tinh tinh thiếu khả năng sao chép dựa trên phiên bản suy yếu của virus cảm lạnh thông thường (adenovirus) gây nhiễm trùng ở tinh tinh và chứa vật liệu di truyền là protein đột biến của virus SARS-CoV-2. Sau khi tiêm ngừa, protein tăng đột biến trên bề mặt được sản xuất, tạo mồi cho hệ thống miễn dịch để tấn công virus SARS-CoV-2 nếu sau đó virus này lây nhiễm vào cơ thể.
Vắc xin đã được cấp phép lưu hành có điều kiện hoặc sử dụng khẩn cấp ở hơn 80 quốc gia trên sáu lục địa, dưới dạng phác đồ hai liều cách nhau từ 4 đến 12 tuần cho người lớn từ 18 tuổi trở lên. Hơn 600 triệu liều vắc xin Covid-19 AstraZeneca đã được cung cấp cho 170 quốc gia trên toàn thế giới, bao gồm hơn 100 quốc gia thông qua COVAX.