“Vá” thành công vết loét sâu hở màng tim cho một bệnh nhân

(Dân trí) - Sau xạ trị ung thư vú 4 năm, vùng ngực bệnh nhân xuất hiện một vết loét nhỏ, rồi càng ngày càng ăn sâu xuống. Sau 12 năm, khi vết loét ăn sâu, hoại tử tới mức hở màng tim, thấy rõ nhịp tim phập phồng qua lớp màng mỏng… bệnh nhân mới tới viện.

“Vá” thành công vết loét sâu hở màng tim cho một bệnh nhân - 1
Vết loét ăn sâu gây chảy máu và lộ tim ra ngoài (Ảnh: TS Vinh)
 
Các bác sĩ đánh giá, nếu không nhanh chóng được xử lý, vết loét ăn sâu dần gây hoại tử cơ tim. Khi đó, người bệnh sẽ tử vong như một trường hợp bị nhồi máu cơ tim. Hoặc vết loét tiếp tục gây tổn thương sâu xuống, phá huỷ toàn bộ hệ thống cơ tim, gây thủng tâm thất và người bệnh sẽ chết vì đột tử.

Bệnh nhân là bà Trịnh Thị Vân (59 tuổi ở Minh Khai, Hà Nội) được xạ trị ung thư vú năm 93, sau đó 4 năm, bệnh nhân bị loét từ vùng ngực trái, vết loét ăn sâu, rộng dần tới mức bệnh nhân đã phải tháo khớp vai trái vào năm 1997. Không dừng ở đó, vết loét này tiếp tục tấn công sâu tới phía dưới, tới mức người bệnh hở cả màng tim, thấy rõ nhịp tim phập phồng qua lớp màng mỏng. Người bệnh sống chung với tình trạng hở, hoại tử tại vết loét tới 12 năm và chỉ tự thay băng, đắp thuốc ở nhà.

Đến đầu tháng 10 vừa rồi, tại vết loét này chảy máu và khi tới bệnh viện Việt Đức khám, bệnh nhân được xác định chảy máu màng tim. Ngay sau đó, bệnh nhân đã được chuyển tới khoa Phẫu thuật tạo hình Viện Bỏng Quốc gia.

Theo TS Vũ Quang Vinh, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình Viện Bỏng Quốc gia, đây là một ca loét sau xạ trị cực kỳ phức tạp và cũng là ca bệnh nặng, hi hữu lần đầu các bác sĩ gặp phải.
 
Sau khi tiến hành hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định tiến hành phẫu thuật nạo vét bỏ các tổn thương hoại tử, rồi lấy một vạt da cơ thẳng bụng che phủ chỗ hở ở màng tim. Đến nay, vết thương dần phục hồi, không bị hoại tử thêm. Bệnh nhân sẽ được ra viện sau một thời gian nữa mà không phải thực hiện thêm phẫu thuật nào.
 
“Vá” thành công vết loét sâu hở màng tim cho một bệnh nhân - 2
Lỗ thủng đã được "vá" lại bằng một vạt da khác và đang hồi phục rất tốt. (Ảnh: TS Vinh)

TS Vinh lưu ý, loét sau xạ trị thường khá phổ biến do ảnh hưởng của tia xạ tới các tế bào lành xung quanh và thường xảy ra sau vài năm được xạ trị. Khác với các vết loét thông thường có thể sử dụng nhiều biện pháp như cắt lọc hoại tử, thay băng, hút chân không… loét do xạ trị tiến triển nhanh và phải được can thiệp bằng phẫu thuật mới khỏi được.

Tuy nhiên hầu hết bệnh nhân loét sau xạ trị đều tới viện khi tình trạng loét đã muộn, dẫn đến việc điều trị vô cùng khó khăn. Vì thế, khi xuất hiện vết loét sau xạ trị, người bệnh cần nhanh chóng đến viện điều trị sớm giúp kiểm soát tốt tình trạng nhiễm khuẩn.
 
Hồng Hải