Uống như thế nào để hạn chế tác hại của rượu?
(Dân trí) - Trong những ngày Tết không thể thiếu những ly rượu chúc nhau sức khỏe, thành đạt, dù muốn cũng khó chối từ. Những cách dưới đây sẽ giúp bạn đỡ “biêng biêng” vì uống rượu và giảm bớt các tác hại không mong muốn.
Ăn trước khi uống
BS Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, nhiều người chỉ lo ngộ độc vì rượu giả, rượu methanol, cứ nghĩ rượu tốt uống tì tì, say rồi lại tỉnh sẽ không sao.
Thực tế không phải vậy, dù rượu đảm bảo chất lượng, khi uống quá nhiều, bị say sẽ có nguy cơ để lại rất nhiều di chứng, ngộ độc gây hại cho sức khỏe. Nhất là khi nhậu người ta mải vui mà quên ăn. Nhậu say ngủ tít với cái bụng rỗng, rất nhiều người bị hạ đường trong máu, dễ dẫn tới tử vong hoặc di chứng trên não.
Vì thế, hãy ăn đầy đủ trước, trong và ngay sau uống, đặc biệt các thức ăn từ tinh bột (cơm, bún, mỳ,…), hoặc thức ăn có nhiều đường sẽ hạn chế được nguy cơ này từ rượu.
Phải giữ ấm cơ thể trong, sau uống
Nhiều người thấy cứ có vài cốc rượu vào là người phừng phừng, muốn lột bỏ bớt quần áo dù trời lạnh ngăn ngắt. Điều này rất nguy hiểm, có thể gây đột quỵ và tử vong.
Bởi khi uống rượu, do có chất kích thích, nồng độ cồn, mạch giãn nên khiến cơ thể cảm thấy ấm hơn. Nhưng lúc này nếu cởi áo, gặp trời rét căm căm sẽ khiến mạch đột ngột co lại làm huyết áp tăng dễ gây tai biến, đột quỵ và dẫn đến tử vong.
Vì thế, khi uống rượu, dù thấy “phừng phừng” cũng đừng bỏ nhiều quần áo để tránh nguy cơ này.
Thêm một điểm cần lưu ý cũng liên quan đến tình trạng thấy nóng khi uống rượu nên cởi bớt đồ, đến khi say cứ thế ngủ vùi trong tình trạng không được giữ ấm, không đắp chăn rất dễ cảm lạnh trong cơn ngủ say rất nguy hiểm. Vì thế, hãy luôn để mắt tới người say khi ngủ, đắp một cái chăn trong thời tiết giá lạnh này sẽ phòng được nguy cơ cảm lạnh. Nằm ngủ nên đặt ở tư thế nằm nghiêng đầu và vai cao hơn, giữ ấm có người theo dõi (đảm bảo thở đều, êm và hồng hào, gọi hỏi biết).
Không uống dồn dập
Để phòng tác hại rượu bia, tốt nhất không nên uống nếu không kiểm soát được. Phụ nữ càng không nên uống rượu vì khả năng chịu đựng với rượu thường kém hơn nam giới và khi bị ngộ độc rượu (say rượu) dễ bị lạm dụng.
Ở người Việt Nam, để phù hợp với kích cỡ cơ thể và dễ ước tính, với nam giới không nên quá 20 gam/ngày, với nữ giới không nên quá 10 gam/ngày. Theo đó nữ không uống quá 250ml loại bia 5%, 30ml loại rượu 39.9%; Nam không uống quá 500ml loại bia 5%, 60ml loại rượu 39.9%.
Thế nhưng rất khó để đảm bảo được liều lượng khuyến cáo này. Trong trường hợp bất khả kháng không thể không uống, bạn tuyệt đối không nên uống dồn dập mà uống “lai rai” để tăng khoảng cách thời gian các lần chạm cốc. Đồng thời phải đảm bảo ăn, nhất là tinh bột để giảm nguy cơ say nhanh.
Mọi người cũng cần chú ý, một khi đã uống rượu, bia, bạn sẽ rất dễ dàng nhanh chóng mất khả năng kiểm soát và chuyển từ “uống ít” sang “uống nhiều”. Vì thế, nếu thấy không còn tỉnh táo, đi lại biêng biêng rồi thì nên dừng lại để giảm thiểu các nguy cơ về sức khỏe. Bởi khi say không chỉ có tác hại của rượu, mà việc không làm chủ hành vi có thể khiến người say sinh sự đánh nhau, đi xe gây tai nạn…
Chọn loại rượu, bia “an toàn”
Trong hầu hết các trường hợp, rượu, bia chỉ có hại cho sức khỏe, không có loại rượu bia nào an toàn, nhất là khi uống quá chén. Để giảm nguy cơ ngộ độc rượu giả, rượu methanol, hãy chọn n mua loại rượu, bia có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, cả về người bán và người sản xuất, để tránh trường hợp bạn uống phải rượu giả, rượu có chứa cồn công nghiệp. Bia cũng là rượu “loãng” (hàm lượng rượu ethanol thấp hơn nhưng lại uống nhiều hơn nên tổng lượng ethanol bạn uống cũng đáng kể) nên hãy chú ý lượng uống vào, đừng nghĩ bia nhẹ uống bao cho say.
Rượu là một trong các nguyên nhân gây bệnh tật và tử vong nhiều nhất ở Việt Nam và trên thế giới. Rượu là chất độc với hầu hết các cơ quan trong cơ thể: ức chế thần kinh (là một loại thuốc ngủ), độc với tim mạch, với hô hấp, hấp thu và chuyển hóa các chất. Khi nồng độ cồn trong máu quá cao, hô hấp bị ức chế (thở yếu, thở chậm, ngừng thở, thở khò khè, ứ đọng đờm rãi), ho hoặc khạc yếu, giảm thân nhiệt (da lạnh), đái ỉa ra quần, tụt huyết áp, hôn mê, thậm chí trụy tim mạch, tử vong. Vì thế vui có lúc, uống có điểm dừng, mọi người cần tự ý thức để tránh những rủi ro sức khỏe trong ngày Tết mà bia rượu mang lại.
Hãy chú ý, nếu sau uống rượu bia mà bất tỉnh, gọi hỏi không biết, co giật, tê yếu, nói ngọng (khi đã tỉnh táo, thở khò khè, mệt nhiều… hãy nhanh chóng đưa người say đến cơ sở y tế vì đó có thể là dấu hiệu ngộ độc rượu nguy hiểm.
Hồng Hải