1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Uống một lon nước ngọt, bạn nạp vào người 35gr đường tự do

Hà An

(Dân trí) - Một lon nước ngọt thường chứa khoảng 35gr đường, tương đương 140 calo. Trong khi theo khuyến cáo, trẻ 2-18 tuổi nên hạn chế lượng đường tiêu thụ ở mức dưới 25gr mỗi ngày và dưới 50gr với người lớn.

Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (diễn ra vào tháng 10 tới) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025). Tại dự thảo này, lần đầu tiên đồ uống có đường thuộc danh mục hàng hóa đề xuất áp dụng thu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đồ uống có đường là tất cả các loại đồ uống chứa đường tự do. 

Hệ quả của việc tiêu thụ đồ uống có đường không hợp lý

Chia sẻ tại một hội thảo gần đây, PGS.TS.BS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế), cho biết, một loại nước ngọt thông thường sẽ chứa khoảng 35g đường, tương đương 140 calo, với rất ít hàm lượng dinh dưỡng khác.

Trung bình một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5gr đường tự do/ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa (50gr/ngày). Mức này cao gần gấp đôi so với mức khuyến cáo dưới 25gr/ngày của WHO.

Uống một lon nước ngọt, bạn nạp vào người 35gr đường tự do - 1

Trong khi đó, kết quả từ các nghiên cứu có giá trị cho thấy sử dụng đồ uống có đường không hợp lý là nguyên nhân gây ra thừa cân, béo phì. Tiêu thụ đồ uống có đường đồng nghĩa tăng năng lượng nạp vào (năng lượng rỗng), làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì. Việc tăng hoặc giảm tiêu thụ đường tự do (bất kể lượng đường là bao nhiêu) liên quan thuận chiều với thay đổi cân nặng.

Tiêu thụ quá nhiều thường xuyên đồ uống có đường làm tăng các nguy cơ thừa cân, béo phì, tiểu đường túyp 2, hội chứng rối loạn chuyển hóa, tim mạch, ảnh hưởng tới xương răng, ảnh hưởng hấp thụ các chất dinh dưỡng như kali, canxi, vitamin…, ảnh hưởng đến bệnh lý thận - tiết niệu, ảnh hưởng đến bệnh lý tiêu hóa… 

Theo PGS Mai, nghiên cứu tổng quan hệ thống và phân tích tổng hợp từ 17 nghiên cứu trên thế giới cho thấy tiêu thụ đồ uống có đường cao tăng nguy cơ đái tháo đường túyp 2 lên 1,51 lần. 

Nghiên cứu phân tích dữ liệu từ 3 nghiên cứu thuần tập ở Mỹ với khoảng 200.000 người tham gia trong khoảng 20 năm cũng cho thấy kết quả tương tự. Cụ thể, tăng tiêu thụ đồ uống có đường >177ml/ngày trong 4 năm có liên quan đến nguy cơ mắc đái tháo đường cao hơn 16% trong 4 năm tiếp theo.

Uống một lon nước ngọt, bạn nạp vào người 35gr đường tự do - 2

PGS.TS.BS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Ảnh: N.P).

Việc thay thế 355ml đồ uống có đường hàng ngày bằng đồ uống khác giảm nguy cơ mắc bệnh 2-10%.

Với bệnh tim mạch, nghiên cứu phân tích từ 5.301 nghiên cứu/bài báo cho thấy, tiêu thụ thêm 355ml đồ uống có đường/ngày có liên quan tới 8% bệnh tim mạch và 8% nguy cơ tử vong do tim mạch.

Một nghiên cứu trên thế giới với sự tham gia của 40.000 nam giới trong hai thập kỷ cho thấy những người uống trung bình 1 lon đồ uống có đường/ngày có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim hoặc chết vì nhồi máu cơ tim cao hơn 20% so với những người hiếm khi uống đồ uống có đường.

Uống một lon nước ngọt, bạn nạp vào người 35gr đường tự do - 3

Đã đến lúc Việt Nam cần kiểm soát khẩu phần đường tiêu thụ

Theo PGS Mai, để hạn chế tiêu thụ đường, chúng ta cần có ý thức hạn chế cho thêm đường, sử dụng các sản phẩm ít đường hoặc không đường để đảm bảo cơ thể có sự cân đối lành mạnh giữa các dinh dưỡng. Lượng đường tự do tiêu thụ một ngày không nên quá 25gr, đồng thời chúng ta nên có thói quen đọc nhãn sản phẩm để biết lượng đường ăn vào là bao nhiêu…

Trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường.  

ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của WHO Việt Nam, cho biết, danh mục bệnh liên quan đến đồ uống có đường tương đối dài. WHO khuyến nghị mạnh mẽ chúng ta nên giảm tiêu thụ đường tự do trong suốt quá trình sống. Cả người lớn và trẻ em nên giảm lượng đường tự do ăn vào dưới 10% tổng năng lượng ăn vào hàng ngày, tương đương với 12 thìa cà phê đường (50gr đường). 

Để tốt nhất, chúng ta nên giảm thêm lượng đường tự do ăn vào xuống dưới 5% tổng năng lượng ăn vào (6 thìa cà phê đường, tương đương khoảng 25gr đường) sẽ mang lại lợi ích bổ sung. 

Trên toàn cầu ước tính nếu tăng thuế ở mức 50% thì sẽ giảm được 2,2 triệu ca tử vong trong vòng 50 năm. Việc đánh thuế này cũng phù hợp với xu hướng trên thế giới. Hiện nay, hơn 110 quốc gia đã áp dụng thuế đối với nước ngọt. Việc đánh thuế này cũng tạo thêm nguồn thu cho ngân sách.

Theo WHO, thuế tiêu thụ đặc biệt là biện pháp hiệu quả để làm giảm sử dụng nước ngọt. Bằng chứng cho thấy việc tăng thuế để giá tăng 20%, sẽ làm giảm khoảng hơn 20% tiêu thụ nước ngọt, với điều kiện thuế tăng được chuyển hết vào giá.

Vì thế, Việt Nam nên xem xét áp dụng thuế đồ uống có đường ở mức 20% giá bán lẻ theo khuyến nghị của WHO nhằm giảm nguy cơ sức khỏe cho thế hệ tương lai.

Đồng thời, nên cân nhắc đánh thuế theo hàm lượng hoặc ngưỡng đường, từ đó khuyến khích sản phẩm giảm đường, quy định dán nhãn mặt trước thể hiện hàm lượng đường, nâng cao nhận thức về các lựa chọn đồ uống lành mạnh, cấm tiếp thị đồ uống có đường…

Theo TS Angela Pratt, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, để góp phần xây dựng một Việt Nam an toàn và khỏe mạnh, một biện pháp y tế cần thực hiện trong thời gian tới là cần bắt đầu các biện pháp giảm tiêu thụ đồ uống có đường. Một biện pháp phổ biến nhằm giảm tác hại từ đồ uống có đường là tăng giá của chúng bằng thuế.

"Tín hiệu giá - chi phí cao hơn - rất có tác dụng để giúp giảm tiêu thụ đồ uống có đường. Bằng chứng, kinh nghiệm hiện tại cho thấy nếu thuế làm tăng giá đồ uống lên 10%, mọi người sẽ uống ít hơn khoảng 11%. Họ chuyển sang đồ uống lành mạnh hơn như nước suối", TS Angela Pratt nói.