Ung thư vú: Phát hiện sớm bệnh có thể điều trị khỏi
(Dân trí) - Ung thư vú hình thành trong tuyến vú, thường trong ống tuyến (dẫn sữa đến đầu núm vú) hoặc tiểu thùy (các tuyến tạo sữa). Nó có thể xảy ra ở cả nam và nữ, mặc dù ở nam hiếm gặp hơn).
Các yếu tố nguy cơ của ung thư vú
Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được nhưng nếu biết sẽ giúp phát hiện bệnh sớm
- Tuổi càng cao nguy cơ mắc bệnh càng cao
- Tiền sử trong gia đình có người bị ung thư vú
- Đã điều trị tia xạ vùng thành ngực
- Hành kinh sớm (trước 12 tuổi)
- Mãn kinh muộn (sau 50 tuổi)
- Không có con hoặc có con muộn
- Đột biến di truyền: gen BRCA1 và BRCA2
Khoảng 5% ung thư vú và 25% ung thư vú có tính chất gia đình là do đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2
Nếu trong nhóm nguy cơ cao cần khám sàng lọc 1-2 lần/năm
Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được
- Dùng thuốc hormon thay thế (dùng thuốc estrogen và progesteron kéo dài tăng nhẹ nguy cơ ung thư vú)
- Dùng thuốc tránh thai
- Uống rượu
- Không cho con bú
- Béo phì
Phòng bệnh ung thư vú bắt đầu từ thay đổi lối sống: không uống rượu, cho con bú sữa mẹ, giảm cân, vận động, không dùng hormon thay thế
Tại sao phải tầm soát ung thư vú
Ung thư vú là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do ung thư ở phụ nữ với 1,7 triệu người mắc và nửa triệu người chết hàng năm. Ở các nước phát triển, cứ 8 người thì có 1 người mắc ung thư vú. Ở châu Âu, cứ 2 phút lại có thêm 1 người mắc ung thư vú và cứ 6 phút lại có 1 người chết vì ung thư vú
Tỷ lệ mắc cao nhất ở Tây Âu và Mỹ, thấp nhất ở châu Phi và châu Á nhưng hiện nay tỷ lệ mắc ở các nước phát triển tăng rất nhanh.
40-90% bệnh nhân ở các nước đang phát triển, ít tầm soát nên khi được chẩn đoán đã ở giai đoạn muộn
Vì vậy, phát hiện sớm, điều trị kịp thời là quan trọng nhất
Các thay đổi của vú cần lưu tâm:
- Sờ thấy khối u ở vú
- Thay đổi hình dạng và kích thước vú
- Lõm da, co kéo da hoặc dầy da tuyến vú
- Tụt núm vú
- Tấy đỏ đầu núm vú
- Chảy dịch bất thường đầu núm vú
- Đau hoặc cảm thấy khó chịu dai dẳng ở tuyến vú
- Sưng hoặc có khối vùng nách
Bạn nên đến gặp bác sĩ khi có các triệu chứng này. Tuy nhiên cũng cần lưu ý là những triệu chứng này có thể gặp cả trong các bệnh khác.
Các phương pháp khám sàng lọc ung thư vú
Tự khám vú: nên tự khám sau khi sạch kinh 3-7 ngày. Khi khám đứng hoặc ngồi trước gương
- Quan sát sự thay đổi về kích thước, hình dạng vú bằng cách so sánh 2 vú, thay đổi bề mặt da và hình dạng núm vú.
- Sờ vú xem có u cục bất thường. Nếu có bất thường hoặc nghi ngờ hoặc không tự khám được cần đến khám bác sĩ chuyên khoa ung bướu. Với phụ nữ trên 40 tuổi mỗi năm nên đi khám vú ít nhất 1 lần
Chụp X-quang tuyến vú:
- Phát hiện được u nhỏ (dưới 5mm) thậm chí khi chưa sờ thấy trên lâm sàng, hoặc các nốt vi vôi hóa là dấu hiệu sớm của ung thư.
- Chụp X-quang vú không gây hại vì sử dụng liều tia X rất thấp
Siêu âm tuyến vú
Chọc hút tế bào hoặc sinh thiết nếu phát hiện thấy khối u