Ung thư vì chủ quan với chít hẹp bao quy đầu
Với bất kỳ lứa tuổi nào khi đã bị chít hẹp bao quy đầu thì nên cắt càng sớm càng tốt để tránh xơ dính hay ung thư hóa phải cắt cả cụm.
Ông Nguyễn Văn P, 75 tuổi (Hải Dương) cách đây 6 năm đi kiểm tra sức khỏe phát hiện chít hẹp bao quy đầu. Bác sĩ khuyên ông nên cắt bỏ chít hẹp nhưng ông nghĩ đã hết tuổi "yêu" nên không điều trị.
Gần đây, dương vật sưng đau lâu ngày, điều trị kháng sinh không khỏi, ông đi khám được kết luận ung thư dương vật, phải phẫu thuật cắt bỏ. Lúc này ông P mới thấy ân hận vì không xử lý chít hẹp dẫn tới biến chứng ung thư.
BS Tuấn Anh, Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội) cho biết, hẹp bao quy đầu là tình trạng miệng bao quy đầu chít hẹp, không thể tuột khỏi quy đầu dương vật. Hẹp bao quy đầu thường hay xảy ra ở trẻ nhỏ và không nghiêm trọng.
Chít hẹp bao quy đầu thứ phát (khi đã trưởng thành) lại có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của dương vật, gây viêm nhiễm, thậm chí ung thư. Nhất là với người tuổi cao, hệ miễn dịch suy giảm, bản thân môi trường trong bao quy đầu dễ bị viêm do luôn ẩm.
Với bất kỳ lứa tuổi nào khi đã bị chít hẹp bao quy đầu thì nên xử lý càng sớm càng tốt để tránh xơ dính hay ung thư hóa.
Theo Khoa học và đời sống