Ung thư phổi, ung thư gan thuộc top mắc nhiều ở nam giới Sài Gòn
(Dân trí) - Ở nam giới, chỉ riêng 5 loại ung thư đứng đầu là phổi, gan, đại trực tràng, dạ dày và thanh quản chiếm gần 60% tổng số ca ung thư ở tất cả các vị trị của nam.
Cuối năm 2019, Bệnh viện Ung Bướu, TPHCM đã công bố kết quả ghi nhận ung thư quần thể trên địa bàn thành phố trong năm 2016. Theo đó, trong 1 năm trên địa bàn thành phố thống kê có gần 9.000 trường hợp ung thư được phát hiện, số ca ung thư ở nữ cao hơn nam.
Ở nam giới, chỉ riêng 5 loại ung thư đứng đầu là phổi, gan, đại trực tràng, dạ dày và thanh quản chiếm gần 60% tổng số ca ung thư ở tất cả các vị trí của nam.
Ở nữ giới, ung thư đứng hàng đầu là vú, cổ tử cung, đại trực tràng, phổi và tuyến giáp chiếm gần 69% tất cả vị trí ung thư trên cơ thể nữ.
Trong khi đó, ở trẻ em nhóm tuổi từ 0 đến 14 thì ung thư máu chiếm vị trí hàng đầu trên cả bé trai và bé gái, tiếp đến là những ung thư não, gan, mô mềm là các vị trí thường gặp.
Ở tuổi 15 đến 24 là các bệnh ung thư tuyến giáp, ung thư máu, khối u lymphôm ác tính không hodgking, ung thư xương là nhóm bệnh hàng đầu. Độ tuổi này cũng bắt đầu xuất hiện ung thư buồng trứng ở nữ giới.
Ở nhóm tuổi 25 đến 34 ung thư tuyến giáp dẫn đầu ở cả hai giới. Ở nam giới ung thư gan, ung thư đại tràng bắt đầu xuất hiện và xếp vào nhóm ung thư đứng đầu. Nữ giới ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư đại trực tràng xuất hiện dần trở thành nhóm ung thư thường gặp. Sau tuổi 35 đến 65 bắt đầu định hình rõ những nhóm ung thư thường gặp ở cả 2 giới. Giai đoạn này ở nam giới là ung thư gan, phổi, đại trực tràng, dạ dày, vòm hầu; ở nữ là ung thư vú, cổ tử cung, đại trực tràng, phổi và tuyến giáp.
Từ cơ sở dữ liệu được tổng hợp, BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu khuyến cáo cộng đồng, ung thư là căn bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Đây là căn bệnh không lây lan, không truyền nhiễm, nhiều loại ung thư thường diễn tiến âm thầm, cho đến khi có những dấu hiệu điển hình người bệnh mới đi khám thì đã trong tình trạng muộn.
Hiện nay, những tiến bộ của y học trong việc hiểu về bệnh lý ung thư và sự phát triển của trang thiết bị đang hỗ trợ tích cực cho bác sĩ trong điều trị. Tuy nhiên, cộng đồng tuyệt đối không nên chủ quan với bệnh lý nguy hiểm này, việc khám bệnh định kỳ mỗi 6 tháng 1 lần, tầm soát sớm bệnh lý ung thư sẽ giúp phát hiện sớm ngay ở giai đoạn cửa sổ giúp các giải pháp can thiệp trở nên dễ dàng, hiệu quả. Sau can thiệp, điều trị người bệnh có thể khỏi bệnh hoàn toàn, có được cuộc sống, sức khỏe bình thường.
Các bác sĩ khuyến cáo, dù không lây nhiễm nhưng khoảng 5 đến 10% các trường hợp ung thư có tính di truyền. Những gia đình, gia tộc có tiền căn ung thư vú, buồng trứng, tuyến tiền liệt, ruột già, nội mạc tử cung có thể là do một gen bất thường truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ở trẻ em bị ung thư mắt (bướu nguyên bào võng mạc) thì khoảng 40% thụ hưởng 1 gen đột biến từ cha hoặc mẹ, trường hợp tương tự có thể xảy ra với ung thư ruột. Những người bệnh trong nhóm nguy cơ kể trên cần tham vấn ý kiến bác sĩ, thực hiện các biện pháp tầm soát chủ động để phát hiện sớm, điều trị kịp thời nếu không may mang gen bất thường gây bệnh.
Vân Sơn