1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Ung thư giai đoạn cuối vì tưởng cảm cúm

(Dân trí) - “Thời gian đầu cháu chỉ bị sốt, vã mồ hôi về đêm và chảy nước mũi, tôi tưởng con cảm cúm thông thường. Đến khi cháu chảy máu miệng, nổi hạch, đau nhức khớp xương tôi mới biết con bị ung thư máu”, mắt rơm rớm chị Sáu kể.

Khi mới chớm bệnh, cháu Nguyễn Viết Cường (12 tuổi, Thạch Thất, Hà Nội) không có biểu hiện rõ ràng ngoài sốt dai dẳng, chảy nước mũi, kèm theo mệt mỏi. Những tuần sau, cháu ăn uống kém hẳn đi dẫn tới sút cân, da dẻ xanh xao. Khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn (chảy máu miệng, lá lách to, nổi hạch…) cháu mới được đưa đến viện Huyết học - Truyền máu TƯ khám.

Chị Nguyễn Thị Sáu, mẹ cháu Cường cho biết: “Vì biểu hiện bệnh ban đầu của cháu giống với cảm cúm quá nên tôi chủ quan. Hơn nữa, cháu chỉ hơi mệt thôi, vẫn đi học và sinh hoạt bình thường. Sau khi uống thuốc gần một tháng không đỡ, tôi cho con lên bệnh viện huyện khám thì bác sĩ nói cháu viêm amidan và cho dùng kháng sinh.
Ung thư giai đoạn cuối vì tưởng cảm cúm - 1

Cháu Cường (áo đỏ) được đưa đến viện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, phải tiếp máu (ảnh Thu Hà)

Cháu sút cân rất nhanh, đau khớp xương, rồi chảy máu miệng… lúc này tôi mới biết không phải con cúm thông thường, hay viêm abidan. Nhờ sự chỉ dẫn của bác sĩ viện tỉnh, tôi đưa con đến thẳng  viện Huyết học - Truyền máu TƯ khám thì bệnh đã ở giai đoạn muộn. Bác sĩ cho biết, tế bào ung thư đã xâm nhập các bộ phận khác, nên thời gian điều trị rất lâu dài và tốn kém”.

Trao đổi với Dân trí, Thạc sỹ Bạch Quốc Khánh, Phó viện trưởng, viện Huyết học - Truyền máu TƯ cho biết: “Tiến triển của bệnh ung thư máu khá chậm và không có dấu hiệu điển hình khi mới mắc. Thường chỉ sốt dai dẳng, nhiễm khuẩn họng tái đi tái lại, do đó dễ nhầm lẫn với các bệnh như: cảm cúm, viêm phổi, thiếu máu dinh dưỡng…

Khi bệnh nhân có triệu chứng chảy máu, gan, lá lách chướng to, nổi hạch… mới đi khám đúng chuyên khoa thì bệnh đã ở giai đoạn muộn. Chính vì thế tỷ lệ điều trị thành công ung thư máu ở nước ta không cao.

Bệnh hay gặp nhất ở trẻ 2-6 tuổi. Đến nay khoa học chưa xác định rõ nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, vẫn xác định được những người nằm trong nhóm nguy cơ cao là phụ nữ mang thai thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại, tia phóng xạ, trẻ bị hội chứng down, trẻ từng điều trị ung thư khác bằng hóa trị liệu hay xạ trị. Những người thuộc nhóm này cần hết sức lưu ý, nên theo dõi và thăm khám định kỳ.

Theo thống kê của khoa Lâm sàng bệnh máu, viện Huyết học - Truyền máu TƯ thì số bệnh nhi mắc ung thư máu chiếm 30% tổng số bệnh nhân ung thư nhập viện. Đây là loại bệnh gây tử vong hàng đầu cho trẻ. Đa số bệnh nhân không được chẩn đoán sớm do phụ huynh và bác sĩ tuyến dưới nhầm lẫn với các bệnh thông thường khác.

Qua đây, bác sĩ cảnh báo: “Các bậc phụ huynh không nên chủ quan với các biểu hiện như: sốt dai dẳng kéo dài, điều trị bằng kháng sinh không khỏi, chán ăn, sút cân nhanh, dễ bị chảy máu, vã mồ hôi (đặc biệt về đêm). Nặng hơn, trẻ có biểu hiện da xanh xao, người mệt mỏi, khó thở... cần đưa con đến cơ sở y tế chuyên khoa thăm khám kịp thời. Đề phòng các loại bệnh cho trẻ, cha mẹ nên đưa con đi khám định kỳ (6 tháng/lần)".

Thu Hà