Ung thư dạ dày: Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa
(Dân trí) - Khó nuốt, đầy hơi sau khi ăn, cảm thấy no dù ăn ít, ợ nóng... đều có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư dạ dày bạn cần lưu ý.
Ung thư dạ dày là sự phát triển bất thường của các tế bào bắt đầu trong dạ dày. Dạ dày là một túi cơ nằm ở giữa trên của bụng, ngay dưới xương sườn. Dạ dày của bạn tiếp nhận và giữ thức ăn bạn ăn, sau đó giúp phân hủy và tiêu hóa chúng.
Ung thư dạ dày có thể ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào của dạ dày. Ở hầu hết thế giới, ung thư dạ dày hình thành ở phần chính của dạ dày (thân dạ dày).
Vị trí ung thư xảy ra trong dạ dày là một yếu tố mà bác sĩ cân nhắc khi xác định các lựa chọn điều trị cho bạn. Điều trị thường bao gồm phẫu thuật để loại bỏ ung thư dạ dày. Các phương pháp điều trị khác có thể được khuyến nghị trước và sau khi phẫu thuật.
Các triệu chứng của ung thư dạ dày
Các dấu hiệu của ung thư dạ dày có thể bao gồm:
- Khó nuốt
- Cảm thấy đầy hơi sau khi ăn
- Cảm thấy no sau khi ăn một lượng nhỏ thức ăn
- Ợ nóng
- Khó tiêu
- Buồn nôn
- Đau bụng
- Giảm cân không rõ nguyên nhân
- Nôn mửa
Nếu bạn có các triệu chứng khiến bạn lo lắng, hãy hẹn khám với bác sĩ.
Nguyên nhân gây ung thư dạ dày
Không rõ nguyên nhân gây ra ung thư dạ dày, mặc dù nghiên cứu đã xác định nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ.
Các bác sĩ biết rằng ung thư dạ dày bắt đầu khi một tế bào trong dạ dày phát triển những thay đổi trong DNA của nó. DNA của tế bào chứa các chỉ dẫn cho tế bào biết phải làm gì. Những thay đổi cho biết tế bào phát triển nhanh chóng và tiếp tục sống khi các tế bào khỏe mạnh sẽ chết. Các tế bào tích tụ tạo thành một khối u có thể xâm lấn và phá hủy các mô khỏe mạnh. Cùng với thời gian, các tế bào có thể vỡ ra và lây lan (di căn) đến các khu vực khác của cơ thể.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày bao gồm:
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản
- Béo phì
- Chế độ ăn nhiều thức ăn mặn và hun khói
- Chế độ ăn ít trái cây và rau quả
- Tiền sử gia đình bị ung thư dạ dày
- Nhiễm Helicobacter pylori
- Viêm dạ dày mạn tính
- Hút thuốc
- Polyp dạ dày
Phòng ngừa ung thư dạ dày
Để giảm nguy cơ ung thư dạ dày, bạn có thể:
Duy trì cân nặng hợp lý: Nếu bạn thừa cân hoặc béo phì, hãy nói chuyện với bác sĩ về các chiến lược giúp bạn giảm cân. Hãy đặt mục tiêu giảm cân chậm và ổn định 1 hoặc 2 kg một tuần.
Chọn một chế độ ăn uống đầy đủ trái cây và rau quả: Cố gắng kết hợp nhiều trái cây và rau quả vào chế độ ăn uống của bạn mỗi ngày. Chọn nhiều loại trái cây và rau quả nhiều màu sắc.
Giảm lượng thức ăn mặn và thức ăn hun khói mà bạn ăn: Hãy bảo vệ dạ dày của bạn bằng cách hạn chế những thực phẩm này.
Bỏ thuốc lá: Nếu bạn hút thuốc, hãy bỏ thuốc lá. Nếu bạn không hút thuốc, đừng bắt đầu. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày, cũng như nhiều loại ung thư khác. Bỏ thuốc lá có thể rất khó, vì vậy hãy nhờ bác sĩ giúp đỡ.
Hỏi bác sĩ về nguy cơ ung thư dạ dày của bạn: Nói chuyện với bác sĩ của bạn nếu bạn có tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư dạ dày có thể xem xét các xét nghiệm, chẳng hạn như nội soi, để tìm các dấu hiệu của ung thư dạ dày.
Ung thư dạ dày là bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa, nhận biết sớm và điều trị hiệu quả nếu phát hiện ở giai đoạn đầu. Trong khi đó đa số người bệnh đến khám và điều trị căn bệnh này tại Bệnh viện K ở giai đoạn muộn, đã di căn, gây khó khăn trong việc điều trị và tốn kém về kinh phí.
Các đối tượng có nguy cơ sau cần tầm soát ung thư dạ dày
-Tuổi cao (> 50 tuổi)
- Có người thân trong gia đình mắc ung thư dạ dày, ung thư đường tiêu hóa...
- Người bị viêm loét dạ dày-tá tràng mãn tính, nhiễm HP.
- Người có thói quen ăn uống nhiều đồ muối, đồ nướng, thực phẩm bảo quản kém chất lượng.
- Người thường xuyên hút thuốc lá và uống rượu bia.
- Người có các triệu chứng nghi ngờ ung thư dạ dày: đau bụng, ợ hơi, ợ chua kéo dài,…