Ung thư da: bệnh nhân ngày càng trẻ hoá

(Dân trí) - Theo TS Nguyễn Sĩ Hoá, Phó Viện trưởng Viện Da liễu quốc gia, ung thư da đứng hàng thứ 8/10 loại ung thư thường gặp với tỷ lệ trung bình 2,9 - 4,5 ca/100.000 dân.

Dấu hiệu bất thường trên da có thể là ung thư

 

Theo BS Hoá, hai loại ung thư da phổ biến nhất ở nước ta là ung thư tế bào đáy và tế bào vẩy. Cả hai loại này đều ở bề mặt, tốc độ phát triển chậm và khả năng chữa lành cao, nhất là khi được phát hiện sớm. Còn ung thư tế bào hắc tố là khá nguy hiểm, dễ gây tử vong, tuy nhiên cũng hiếm gặp hơn.

 

Điều đáng nói là các dấu hiệu ung thư da không điển hình, nên người bệnh cũng như các tuyến y tế cơ sở dễ nhầmvới các bệnh về da khác.

 

Chị N.T.H ở Hà Nam xuất hiện tổn thương nhỏ bằng đồng xu ở khoé mắt cách đây 4 năm, thỉnh thoảng loét, chảy nước nhưng chị nghĩ là chứng viêm da bình thường nên không đi viện khám mà tự mua các loại thuốc bôi trị viêm da, nấm để chữa trị. Nhưng giờ vết loét lan rộng hơn, chị mới đến viện khám và được kết luận ung thư tế bào đáy.

 

Hay như bệnh nhân C. ở Thái Bình cũng được phát hiện là ung thư da sau hơn 4 năm mang bệnh. Dù bệnh nhân rất có ý thức đi khám tại cơ sở y tế địa phương khi phát hiện những dấu hiệu lạ ở vùng mặt. Anh cũng đã được điều trị nhưng những tổn thương vẫn lan rộng gần tới sát tai. Khi đó, anh mới tới Viện Da liễu Quốc gia khám và được xác định bị ung thư da tế bào đáy.

 

Phần lớn bệnh nhân ung thư da nhập viện muộn từ 3 - 20 năm, rất hiếm trường hợp bệnh nhân nhập viện trước 6 tháng. Người bệnh thường tự điều trị ở nhà do thấy bệnh tiến triển chậm, không đau. Vì thế, khi người bệnh đến viện muộn sẽ kéo theo nhiều nguy cơ như việc điều trị khó khăn, kéo dài do các tổn thương ung thư da bị lan rộng.

 

Theo TS Hoá, dấu hiệu thường gặp nhất của ung thư da là một chỗ biến đổi bất thường của da, ví dụ như một vết loét đau, chảy máu, đóng vảy rồi lành, sau đó lại loét trở lại ngay vị trí này. Dấu hiệu đầu tiên thường gặp của ung thư tế bào hắc tố thường là sự biến đổi bất thường của một nốt ruồi có sẵn hoặc xuất hiện thêm những nốt ruồi mới đáng nghi ngờ. Hầu hết các ung thư da đều gây ra những biến đổi trên một vùng da khu trú. Do vậy, khi có dấu hiệu nghi ngờ, người bệnh cần đi khám sớm vì ung thư da ít gây đau nên thường chủ quan.

 

Thận trọng với tắm trắng, tắm nâu

 

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ung thư da, trong đó, nguyên nhân tia tử ngoại mặt trời chiếm đa số. Theo TS Hoá, trong cái nắng oi ả của mùa hè ở Việt Nam, nếu không biết che chắn, bảo vệ làn da khỏi tia cực tím, sẽ có nguy cơ bị ung thư. Thế nhưng, nhiều người lại tự “rước” thêm nguy cơ cho mình bằng cách làm đẹp kém an toàn.

 

Như nhiều người tắm nắng quá nhiều, tắm khi ánh nắng đã gay gắt. Hay như phương pháp làm đẹp bằng tắm trắng, mọi người tự “bóc” bỏ một lớp sừng bảo vệ, khiến tia cực tím càng có cơ hội xuyên qua da làm tổn thương các tế bào sống, làm gãy gien trong tế bào da và gây bệnh ung thư.

 

Theo TS Nguyễn Viết Lượng, Viện bỏng quốc gia, theo quy luật, lớp sừng ngoài cùng da sau 4 tuần bị già hoá và dần được thay thế bằng lớp sừng mới. Thế nhưng, tắm trắng, tức là ta tẩy đi lớp tế bào biểu bì (lớp sừng bên trên), trong khi nó chưa đến “tuổi” lão hoá. Lớp da bên trong còn quá non nớt, chứa ít sắc tố nên da có vẻ trắng, mịn nhưng nguy hiểm ở chỗ, lớp tế bào non này càng dễ chịu ảnh hưởng của bức xạ mặt trời. Khi đó, da càng dễ bị tổn thương, bỏng nhẹ và tiềm ẩn nguy cơ bị ung thư da.

 

Hay gần đây, nhiều người rộ lên phong trào “tắm nâu” cũng gây hại cho làn da. Theo TS Hải Vân, Trưởng khoa Đối ngoại Viện Da liễu quốc gia, tắm nâu thực chất là phương pháp phun tia tử ngoại để kích thích tế bào sinh sắc tố sinh ra sắc tố đậm hơn, rất dễ dẫn đến ung thư da sau này.

 

Bảo vệ da trước ánh nắng

 

Ung thư da thường xuất hiện trên những vùng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời - da đầu, mặt, môi, tai, cổ, ngực, cánh tay, bàn tay và cẳng chân ở phụ nữ. Tuy nhiên ung thư da vẫn có thể xuất hiện ở những vùng da còn lại, như lòng bàn tay, vùng gan ngón chân…

 

Vì thế, bảo vệ làn da trước ánh nắng là cực kỳ quan trọng để phòng ung thư da. Để bảo vệ da trước ánh nắng, cần bôi kem chống nắng cho những vùng da hở. Theo TS Lượng, nhiều người chỉ dùng kem chống nắng vào mùa hè, khi trời nắng gay gắt, còn mùa đông lại không dùng, đây là một sai lầm. Vì thời tiết mùa thu - đông, tuy nắng không gay gắt như mùa hè nhưng bức xạ mặt trời vẫn tác động mạnh đến da. Do vậy, vào mùa đông cũng cần dùng kem chống nắng nhưng với độ SPF nhẹ hơn.

 

Người dùng cần biết,1độ SPF có nghĩa là kem chống nắng này có khả năng lọc tia tử ngoại một cách tối đa trong môi trường ngoài trời là trong 15 phút. Như vậy, 1 sản phẩm chống nắng có độ SPF 10 khi bôi lên da, có thể bảo vệ da 150 phút khi đi ra ngoài. Khi hết thời gian 150 phút, kem chống nắng vẫn còn trên da không nhưng có tác dụng chống nắng.

 

Ở môi trường, khí hậu Việt Nam, vào mùa hè, chỉ nên dùng kem chống nắng đến độ SPF 30. Còn mùa đông chỉ nên dùng từ SPF 4 đến SPF 15.

Cần lưu ý thêm, dùng kem chống nắng độ dày kem trên da phải đạt tỷ lệ nhất định, nếu quá mỏng không đem lại tác dụng. Và phải bôi lên da 30 phút trước khi đi ra nắng. Sau khi hết thời gian bảo vệ, bạn phải bôi tiếp kem chống nắng mới có tác dụng bảo vệ.

 

Hồng Hải