U tim: Hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm

Minh Nhật

(Dân trí) - Khối u tim có thể hình thành ở trong tim, trong cơ tim hay bên ngoài thành tim. Đây là căn bệnh khá hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm.

Khối u là một khối tế bào bất thường hình thành trong cơ thể do các tế bào phân chia một cách không kiểm soát.

Theo Viện Y học ứng dụng Việt Nam, một khối u tim có thể bắt nguồn tại tim (u nguyên phát) hoặc có thể do di căn từ các bộ phận khác của cơ thể tới tim (u thứ phát). Ở trẻ em, u thứ phát là dạng phổ biến hơn.

U tim: Hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm - 1

Khối u trong tim có thể là lành tính, thường xảy ra trên đối tượng trẻ em dưới 12 tuổi. Đôi khi u tim có thể là ác tính. Tuy nhiên trường hợp này hiếm gặp hơn. Dưới 10% u tim nguyên phát là ác tính. Khối u ác tính có thể xâm lấn và hủy hoại các mô tế bào trong cơ thể và gây ra các triệu chứng tương tự như các bệnh tim mạch khác.

Các triệu chứng của u tim

Đôi khi u tim không gây ra bất cứ triệu chứng nào. Trong những trường hợp khác, chúng có thể có những triệu chứng tương tự như các bệnh tim mạch hay các khuyết tật trên tim như suy tim, loạn nhịp tim.

Sự hình thành các triệu chứng của bệnh u tim phụ thuộc vào: Vị trí hình thành khối u trong tim, kích thước khối u.

U tim thường có triệu chứng giống với các bệnh tim mạch khác gây khó khăn cho các bác sĩ trong việc chẩn đoán đúng bệnh.

Trẻ đã bị ung thư thường bị nghi ngờ mắc bệnh u tim nhất là khi trẻ có những dấu hiệu như thở gấp, đau ngực, sưng mắt cá.

Một số phương pháp sử dụng để chẩn đoán bệnh u tim bao gồm:

Siêu âm tim để kiểm tra tổng thể khối u. Các sóng siêu âm đi qua thành ngực và cho hình ảnh cụ thể của tim.

Chụp cắt lớp (CT) và chụp cộng hưởng từ hạt nhân (MRI) thường được sử dụng sau siêu âm để chẩn đoán ung thư ở trẻ em.

Điều trị u tim

Trong một số trường hợp, bệnh u tim sẽ tự khỏi mà không cần phải điều trị, chủ yếu là với dạng lành tính rhabdomyomas. Nếu các triệu chứng diễn biến nặng, bác sĩ sẽ lên kế hoạch để điều trị.

Các khối u đơn lành tính có thể được phẫu thuật cắt bỏ.

Đối với các khối u ác tính hay trường hợp khối u lành tính quá lớn không thể phẫu thuật, các bác sĩ có thể cân nhắc đến biện pháp ghép tim.

Đối với khối u ác tính nguyên phát hay thứ phát mà không thể chữa khỏi thì thường chỉ có thể điều trị triệu chứng.