Tỷ lệ hút thuốc lá của nam giới Việt Nam đang có xu hướng giảm
(Dân trí) - Theo báo cáo của Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y Tế) trong giai đoạn 2014-2018, tỷ lệ hút thuốc lá giảm ở hầu hết các đối tượng, khu vực. Cụ thể, tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm 2,1% (từ 47,4% xuống 45,3%).
PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá thông tin, nghiên cứu đánh giá hằng năm đối với các chiến dịch truyền thông của Quỹ PCTH thuốc lá thực hiện trong giai đoạn 2014-2018 cho thấy, nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá đã tăng lên rõ rệt. Đặc biệt, tỷ lệ hút thuốc lá giảm ở hầu hết các đối tượng, khu vực.
Cụ thể, tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm 2,1% (từ 47,4% xuống 45,3%), tỷ lệ nữ giới hút thuốc giảm 0,3% (từ 1,4% xuống 1,1%). Tỷ lệ hút thuốc chung ở khu vực thành thị giảm 2,7% (từ 23,3% xuống 20,6%).
Việc sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên Việt Nam cũng giảm rõ rệt từ 3,3% năm 2007 xuống 2,5% năm 2014. Đáng chú ý, 90% học sinh đang hút thuốc có ý định cai thuốc.
Cùng với việc giảm tỉ lệ hút thuốc chủ động, tỉ lệ hút thuốc lá thụ động cũng giảm xuống ở hầu hết các địa điểm. Tại nơi làm việc giảm 13,3% (từ 55,9% xuống 42,6%); Tại các trường đại học, cao đẳng giảm 16,4% (từ 54,3% xuống 37,9%); Trên phương tiện giao thông công cộng giảm 15% (từ 34,4% xuống 19,4%); Tại gia đình giảm 13,2% (từ 73,1% xuống 59,9%).
Nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá cũng tăng đáng kể. 70% số người hút thuốc nói rằng họ đã cố gắng bỏ thuốc và 61% người không hút thuốc cho biết đã khuyến khích người hút thuốc bỏ thuốc khi được tiếp nhận các thông tin từ chiến dịch truyền thông.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá cho biết, từ năm 2014 đến nay, Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá đã hỗ trợ các tỉnh, thành phố tổ chức hơn gần 8.000 buổi truyền thông trực tiếp về tác hại và quy định của pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá, hơn 1.000 buổi truyền thông lưu động tại cộng đồng với hệ thống loa tuyên truyền tại xã phường, làng, bản.
Gần 13.000 bản tin, tọa đàm, chương trình khoa giáo, phóng sự về chủ đề này được phát trên đài phát thanh, truyền hình. Ngoài ra, còn có các hình thức truyền thông đa dạng như: tờ rơi, sân khấu hóa, đóng kịch, hò vè...
Cho đến nay, hơn 1.500 cơ quan hành chính nhà nước thực hiện nghiêm quy định, cấm hút thuốc lá nơi làm việc. 10 nghìn trường học thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá trong trường học. 508 bệnh viện tuyến tỉnh, huyện thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc… Đặc biệt, 63 tỉnh thành phố đã thành lập ban chỉ đạo PCTH của thuốc lá.
Tuy tỷ lệ hút thuốc giảm nhưng Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 40,000 ca tử vong liên quan đến sử dụng thuốc lá. Để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ người hút thuốc xuống dưới 39% vào năm 2020 theo các chuyên gia Y tế còn gặp rất nhiều khó khăn.
Hiện nay, tại Việt Nam Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTH thuốc lá) đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/5/2013. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về PCTH thuốc lá còn gặp rất nhiều khó khăn do lực lượng thanh tra mỏng, ý thức tuân thủ các quy định cấm hút thuốc của nhiều người còn hạn chế.
Thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, có hại cho sức khỏe nhưng tại Việt Nam, thuốc lá được bày bán khắp nơi với giá vô cùng rẻ, bất cứ ai cũng có thể mua để sử dụng.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, thời gian tới, để giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong cộng đồng, Quỹ PCTH thuốc lá sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực thi quy định cấm hút thuốc tại các nơi công cộng, nâng cao ý thức người dân về tác hại của thuốc lá và các quy định của Luật PCTHTL. Đồng thời, trong giai đoạn 2019-2020 Quỹ PCTH thuốc lá cũng sẽ xây dựng phần mềm trên ứng dụng điện thoại di động để tăng cường sự phản ánh, giám sát của cộng đồng đối với các hành vi vi phạm quy định của Luật PCTH thuốc lá.
P.V