Tưởng đau xương tuổi dậy thì, không ngờ mắc ung thư xương
(Dân trí) - Ở tuổi 17, cậu nam sinh bất ngờ xuất hiện những cơn đau âm ỉ ở cẳng chân. Sau vài tháng cơn đau không biến mất mà khối u ở chân ngày một to dần. Đi khám, cậu được chẩn đoán mắc ung thư xương.
Bệnh nhân là nam sinh 17 tuổi N.M.H. Theo lời kể của gia đình, trước đó vài tháng H. xuất hiện những cơn đau âm ỉ ở cẳng chân trái. Lúc đó gia đình cũng chỉ nghĩ đó là dấu hiệu bất thường ở tuổi dậy thì. Tuy nhiên, sau đó khối u vùng cẳng chân trái ngày một to dần, nổi rõ.
Đưa con đi khám, gia đình bất ngờ nhận được tin H. bị ung thư xương. Đây là một cú sốc lớn không chỉ đối với H. và cả gia đình.
Éo le hơn ngay sau khi phát hiện bệnh, H. lại bị cách ly y tế do dịch Covid-19 gần 3 tháng, không được điều trị. Trong khi đó cơn đau ngày một nặng nề hơn, khối u to nhanh xâm lấn khớp gối khiến nam sinh không thể nào duỗi thẳng khớp gối. Hậu quả là H. không những chịu những cơn đau hành hạ khi khớp gối co rút, bất động đến ngay cả ngồi xe lăn hay di chuyển trên giường cũng rất vất vả, khó chịu.
Cậu đã không thể tự chăm sóc bản thân mà luôn phải có một người nhà túc trực giúp đỡ sinh hoạt dù là nhỏ nhất. Sự thất vọng ngày càng tăng khiến toàn trạng H. mệt mỏi, gầy sút, hệ thống các cơ tứ chi teo nhỏ.
Vì vậy, ngay khi hết cách ly y tế, gia đình tìm đến ekip P & Y học Thể thao thuộc một bệnh viện tư trên địa bàn Hà Nội thăm khám với mong muốn giữ được đôi chân cho con.
Tại đây, các bác sĩ đơn vị phẫu thuật u xương và phần mềm nhận định khối u sau 3 tháng không điều trị đã phát triển xâm lấn mặt khớp và các hệ thống dây chằng quan trọng của khớp gối làm khớp gối mất duỗi, bất động, hậu quả dẫn đến teo nhỏ hệ thống cơ chi dưới. Để loại bổ triệt căn khối u cần phẫu thuật cắt một nửa xương vùng cẳng chân và phần mềm do u xâm lấn rộng rãi. Hậu quả để lại khuyết hổng xương và phần mềm lớn vùng cẳng chân. Do đó, để tạo hình lại khớp gối là một thách thức lớn.
GS Trần Trung Dũng và các bác sĩ sử dụng công nghệ mô phỏng 3D thiết kế bộ khớp gối kèm một nửa xương chày chính xác với các chỉ số riêng của bệnh nhân. Ngoài ra, bộ khớp này phải có thiết kế đặc biệt đủ độ vững cũng như chức năng hoạt động tốt khi thiếu hụt quá nhiều phần mềm và hệ thống dây chằng quanh gối.
Đồng thời, các y bác sĩ cũng lên phương án tạo hình lại gân bánh chè với xương chày nhân tạo bền vững bằng cách chuyển vạt cân cơ từ phía sau qua phía trước ôm lấy diện bám của xương bánh chè.
Ngay sau mổ, bệnh nhân đã duỗi thẳng chân. Ngày thứ 2 sau mổ bệnh nhân có thể tập đứng và đi trên chính đôi chân của mình, sau gần 3 tháng bất động tại giường.
Theo ThS.BS Nguyễn Trần Quang Sáng, ngày nay với sự tiến bộ về hóa chất kết hợp với phẫu thuật giúp bệnh nhân ung thư xương có thể sống thêm 5 năm khá cao, tỷ lệ khoảng 60-70 %. Tuy nhiên để điều trị hiệu quả nhất thì bệnh nhân phải đến thăm khám đúng thời điểm, tránh để bệnh diễn biến quá lâu giống trường hợp bệnh nhân H., khối u quá to làm giảm cơ hội bảo tồn. Và nếu có thực hiện phẫu thuật thành công thì quá trình phục hồi chức năng hệ thống gân cơ rất khó khăn và công phu.
Trong giai đoạn xương phát triển nhanh của tuổi dậy thì, trẻ sẽ gặp những rối loạn về cơ xương khớp đáng lo ngại. Cha mẹ thường chủ quan cho rằng trẻ đang trong giai đoạn phát triển nên những biểu hiện đó là bình thường. Nhưng thực tế đó có thể là dấu hiệu bệnh lý, trong đó nghiêm trọng nhất là ung thư xương.
Nếu có một số dấu hiệu dưới đây, bạn nên nghĩ đến ung thư xương:
- Những cơn đau hoặc mềm ở khu vực khối u: Bắt đầu bằng những cơn đau kéo dài và đau nhiều vào ban đêm khi cơ bắp thư giãn. Đối với trẻ em, triệu chứng này có thể bị nhầm thành bong gân hoặc sự phát triển của xương lúc dậy thì. Nếu trẻ có các triệu chứng đau xương nhiều vào đêm thì tốt nhất bạn nên đưa trẻ đi khám bác sĩ.
- Sưng vù xung quanh vùng xương bị ảnh hưởng: Biểu hiện sẽ không rõ cho đến khi khối u phát triển tương đối to. Không phải lúc nào cũng nhìn thấy hoặc cảm nhận thấy khối u nếu phần xương bị ảnh hưởng nằm sâu trong các mô thịt.
- Giảm khả năng cử động: Nếu ung thư nằm ở gần khớp, khối u có thể làm khớp đó cử động khó khăn và do vậy ảnh hưởng đến sự di chuyển của toàn bộ chi này. Nếu ung thư nằm ở xương sống, nó sẽ tạo sức ép lên các dây chằng trong xương sống và làm các chi yếu đi, tê liệt hoặc đau nhói.
- Gãy xương: Trong một số trường hợp, ung thư xương đôi khi được phát hiện ra khi một xương nào đó bị yếu đi do ung thư và gãy khi bạn bị ngã nhẹ hoặc bị tai nạn.