Tuổi nào nên thực hiện sàng lọc ung thư đại trực tràng?

Tú Anh

(Dân trí) - Nếu như trước đây, người mắc ung thư đại trực tràng thường gặp ở độ tuổi trên 50 thì giờ đây căn bệnh này có xu hướng trẻ hóa. Vậy khi nào cần thực hiện tầm soát căn bệnh này?

Ung thư đại tràng là bệnh ung thư đường tiêu hóa phổ biến, nhưng nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm thì tỷ lệ được chữa khỏi lên tới 90%.

Tuổi nào nên thực hiện sàng lọc ung thư đại trực tràng? - 1

"Tại Bệnh viện K, có những trường hợp sau điều trị ung thư đại trực tràng sống khỏe mạnh 20 năm sau khi phát hiện bệnh. Vì thế, không phải cứ ung thư là cửa tử, quan trọng nhất là vấn đề làm sao phát hiện sớm để chữa bệnh", TS.BS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện K khuyến cáo.

TS Bình cho biết, nếu như trước đây, người mắc ung thư đại trực tràng thường gặp ở độ tuổi trên 50 thì giờ đây căn bệnh này có xu hướng trẻ hóa.

Đặc biệt có những bệnh nhân phẫu thuật ung thư đại trực tràng khi 20 tuổi, tuy nhiên rất hiếm gặp.

Còn độ tuổi 40, tuyệt đối không được chủ quan, vì số ca ung thư đại trực tràng phát hiện ở lứa tuổi này ngày càng gia tăng.

Vì vậy, chuyên gia khuyến cáo việc đi khám sức khỏe định kỳ, tầm soát phát hiện sớm để điều trị kịp thời ung thư đại trực tràng là rất quan trọng.

Trước đây, bác sĩ khuyến cáo sau 50 cần thực hiện nội soi đại trực tràng, nhưng nay, lứa tuổi cần tầm soát đã sớm hơn. Theo đó, sau 40 tuổi, cần thực hiện tầm soát theo định kỳ.

Việc khám sàng lọc và nội soi đại trực tràng giúp giảm tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng, đặc biệt cắt polyp qua nội soi giúp giảm tới 80% tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng.