3 vấn đề này có thể là những tín hiệu sớm nhất của ung thư đại trực tràng
(Dân trí) - Ung thư đại trực tràng là ung thư gây tử vong cao thứ 4 trên thế giới. Thế nhưng, nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm thì tỷ lệ được chữa khỏi lên tới 90%.
80% ung thư đại trực tràng không có triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên dù ít hay nhiều, nếu có ung thư đại trực tràng, bệnh nhân cũng sẽ xuất hiện một số bất thường ở đường ruột.
Do đó, mọi người cần để ý kỹ và không chủ quan để có cơ hội phát hiện bệnh sớm (nếu có) và chữa trị kịp thời:
Thường xuyên có máu trong phân
Có máu trong phân là biểu hiện sớm nhất và phổ biến nhất của bệnh ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên triệu chứng này lại giống với bệnh trĩ nên người bệnh thường nhầm lẫn.
Trên thực tế, máu trong phân của người bệnh trĩ có màu đỏ tươi, máu không lẫn vào phân và chủ yếu chảy nhỏ giọt sau khi đại tiện. Trong khi với ung thư đại trực tràng, máu trong phân có màu sẫm hơn và thường lẫn với phân.
Đau bụng, xuất hiện khối cứng
Bệnh nhân mắc ung thư đại trực tràng sẽ cảm thấy đau bụng, đầy hơi, chướng bụng. Khi bệnh tiến triển, bệnh nhân có thể sờ thấy một khối cứng, kèm theo đau bụng, sụt cân.
Thay đổi thói quen đi đại tiện
Thay đổi thói quen đại tiện là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên triệu chứng này lại thường bị bỏ qua, do dễ bị nhầm thành bệnh vặt.
Việc đại tiện có thể thay đổi đáng kể, ví dụ như trước đây bệnh nhân đi đại tiện một lần/ngày thì nay là 3 - 4 lần/ngày, hoặc vài ngày mới đi một lần.
Bên cạnh đó còn có một số triệu chứng khác như: Đại tiện luôn cảm thấy không sạch hoặc táo bón và tiêu chảy diễn ra xen kẽ; chất nhầy, mủ và máu xuất hiện khi đại tiện; hình dạng của phân thay đổi, trở nên rất mỏng, có rãnh…
Những ai nên tầm soát ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng ở giai đoạn đầu rất dễ bỏ sót. Nội soi đại tràng hiện là phương tiện kiểm tra tiết kiệm chi phí nhất.
Theo các chuyên gia, nội soi đại tràng được khuyến khích để tầm soát sớm các nhóm sau:
- Độ tuổi ≥ 40, không phân biệt nam hay nữ.
- Hút thuốc và uống rượu trong thời gian dài.
-Tiền sử gia đình bị polyp đại trực tràng hoặc ung thư ruột kết.
- Đã phẫu thuật cắt túi mật, tiền sử viêm ruột thừa mãn tính hoặc cắt ruột thừa.
- Ít vận động, ăn nhiều chất béo, nhiều muối trong thời gian dài.
- Táo bón lâu ngày, tiêu chảy, thay đổi thói quen đi đại tiện, đau bụng không rõ nguyên nhân, có máu trong phân, sụt cân.
- Bệnh viêm ruột, đa polyp gia đình.