Tung tin sai sự thật, chủ Facebook Đầm Bầu Thời Trang Mami bị cơ quan chức năng "sờ gáy"

(Dân trí) - Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT) đã có giấy mời chủ sở hữu trang Facebook Đầm Bầu Thời Trang Mami đến làm việc để làm rõ thông tin sai sự thật về dịch tả lợn châu Phi mà trang này đã đăng.

Ngày 8/3, Cục phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã có giấy mời chủ sở hữu trang Facebook Đầm Bầu Thời Trang Mami đến làm việc để làm rõ thông tin sai sự thật về dịch tả lợn châu Phi mà trang này đã đăng.

Theo xác minh ban đầu, chủ trang Facebook Đầm Bầu Thời Trang Mami có địa chỉ tại số 21 Đại La, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng - Hà Nội; số 39 Cầu  Giấy, phường Quan Hoa,  quận Cầu Giấy - Hà Nội và số 274 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân - Hà Nội.

Nội dung giấy mời còn nếu rõ, báo cáo chi tiết bằng văn bản về hoạt động cung cấp, sử dụng thông tin lên mạng xã hội Facebook Đầm Bầu Thời Trang Mami đã đăng tải thông tin, hình ảnh sai sự thật về việc chế biến, bày bán lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi tại Hà Nội và kêu gọi "tẩy chay" thịt lợn vì có thể lây sang người.

Tung tin sai sự thật, chủ Facebook Đầm Bầu Thời Trang Mami bị cơ quan chức năng sờ gáy - 1

Giấy mời của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử.

"Đề nghị ông (bà) chuẩn bị  một số giấy mời liên quan (chứng minh thư nhân dân/Hộ chiếu/Thẻ căn cước công dân),...Trường hợp ông (bà) không đến họp, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật hiện hành" - nội dung giấy mời nêu rõ.

Trước đó, cũng trong ngày 8/3, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã ký văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề đề nghị xử lý những thông tin sai sự thật về dịch tả lợn châu Phi.

Nội dung công văn nêu rõ, fanpage có tên "Đầm Bầu Thời Trang Mami" đưa thông tin, hình ảnh sai sự thật về việc chế biến, bày bán lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi tại Hà Nội và kêu gọi "tẩy chay" thịt lợn vì có thể lây sang người.

Tuy nhiên, qua xác minh,  kiểm tra, những hình ảnh trên fanpage này là "lấy lại từ nhiều báo điện tử; cụ thể đây là hình ảnh về bệnh sán dây ở lợn xảy ra tại Bình Phước vào tháng 11/2018";  đồng thời theo các nhà khoa học "Dịch tả lợn châu Phi cũng không lây sang người"...Đây là fanpage chính thức của cửa hàng thời trang Mami và được chia sẻ với hàng trăm tài khoản Facebook khác.

Để công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi đạt hiệu quả, đúng yêu cầu, vừa bảo vệ sản xuất, vừa thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm thịt lợn an toàn, Bộ NN&PTNT kính đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông: Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng thông tin kịp thời, chính xác cho người dân về diễn biến dịch tả lợn châu Phi và các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những thông tin đăng sai sự thật để tránh gây hoang mang trong xã hội.

Theo Cục Thú y,  tính đến 17h ngày 7/3, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 10 tỉnh, thành phố của Việt Nam (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên và Thái Nguyên). 

Nguyễn Dương