Tự ý ngưng thuốc - Trẻ bị hen suốt đời

Hiện trong nước có 10% trẻ em bị hen (suyễn), gấp đôi so với người lớn. Trong đó, trẻ dưới 2 tuổi chiếm đến 1/5 số ca bệnh. Mặc dù tỷ lệ tử vong không cao nhưng trẻ dễ bị bệnh suốt đời do sự chủ quan của người lớn.

Hen trẻ em là bệnh viêm mãn tính của niêm mạc đường thở. Nguyên nhân gây ra các cơn hen là do đường thở của trẻ dị ứng với một số tác nhân bên ngoài như: khói, bụi, phấn hoa, thời tiết thay đổi, lông thú, thức ăn, khói thuốc lá... "Bệnh do di truyền, không truyền nhiễm, không lây lan qua người khác bằng bất kỳ con đường nào", bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng I khẳng định.

 

Cũng theo bác sĩ Tuấn, trước đây, bệnh hen trẻ em thường bị bỏ sót và tỷ lệ nhập viện rất cao do chưa có tiêu chuẩn chẩn đoán thống nhất. Bác sĩ thường chẩn đoán bệnh hen thành viêm phế quản dạng hen, hoặc viêm phế quản co thắt. Từ chẩn đoán không chính xác phương pháp điều trị cũng không phù hợp.

 

Với trẻ dưới 2 tuổi, những triệu chứng bệnh hen trùng với bệnh viêm tiểu phế quản do siêu vi trùng hô hấp. Do đó, mọi người dễ nhầm lẫn giữa hai bệnh này, có đến 1/3 bệnh nhân viêm phế quản tiểu cầu chuyển sang hen triệu chứng kéo dài làm thay đổi tính chất đường hô hấp.

 

Theo thống kê của WHO, mỗi năm có 25.000 trẻ bệnh hen tử vong, đại đa số các trường hợp này đều có thể tránh khỏi nếu người lớn có kiến thức về bệnh này.

 

Hiện tỷ lệ nhập viện đã giảm nhiều nhưng số bệnh nhi hen vẫn còn rất cao. Trung bình mỗi năm Khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng I có khoảng 10.000 lượt trẻ bị hen đến khám. Nếu không khống chế căn bệnh ngay từ đầu, trẻ sẽ bị lên cơn hen ở mức độ khác nhau. Và mỗi lần lên cơn là một lần tính mạng trẻ bị đe dọa.

 

"Trẻ có thể tử vong ngay khi bị lên cơn hen đầu tiên. Qua kinh nghiệm và thực tế điều trị cho thấy, những trẻ phải nhập viện cấp cứu là những trường hợp mới lên cơn hen lần đầu", bác sĩ Tuấn cho biết.

 

Bệnh hen ảnh hưởng rất lớn và lâu dài đến cuộc sống và sự phát triển của trẻ, như: chậm phát triển về thể chất, trí tuệ, bị suy dinh dưỡng, lồng ngực bị biến dạng, khả năng học tập cũng bị giảm sút. Về mặt tâm lý, trẻ thường mặc cảm, không tự tin với bản thân, ít dám giao tiếp và hòa nhập với bạn bè... Biến chứng nặng nhất của hen làm trẻ bị suy tim mãn tính.

 

Mặc dù trẻ mắc bệnh hen chiếm tỷ lệ cao nhưng có nhiều khả năng khỏi bệnh khi được điều trị đúng và chăm sóc tốt. Nếu người lớn bị bệnh hen, triệu chứng căn bệnh có thể theo đuổi họ suốt đời. Nhưng đối với trẻ em có 20-30% không còn triệu chứng lúc 3 tuổi, một số khác sẽ khỏi bệnh khi vào tuổi dậy thì.

 

Qua nghiên cứu và điều trị thực tế qua thời gian dài, các thuốc điều trị hen trẻ em được khẳng định là có hiệu quả, an toàn, không có tác dụng phụ quan trọng, không bị nhờn thuốc khi dùng trong thời gian dài. Do vậy, trẻ bị hen có nhiều hy vọng khỏi bệnh hơn người lớn, bác sĩ Tuấn nhìn nhận.

 

Nên chú ý khi trẻ có những biểu hiện: ho kèm theo thở khò khè tái đi tái lại nhiều lần, thường xảy ra vào ban đêm và lúc sáng sớm. Các biểu hiện này xảy ra do một nguyên nhân giống nhau như dị ứng với một loại thức ăn, thời tiết thay đổi, khói, bụi, mùi hương... Trẻ lớn có những dấu hiệu gọi là tiền triệu chứng như: ngứa mắt, chảy mũi, sau đó lên cơn hen, ho khò khè, có cảm giác tức ngực, nặng ngực khó thở, thở nhanh co kéo lồng ngực. Còn trẻ nhỏ ho, thở khò khè, bỏ bú, quấy khóc.

 

Mặc dù tỷ lệ tử vong không cao nhưng trẻ dễ bị bệnh suốt đời do sự chủ quan của người lớn. Vì trẻ có khả năng chịu đựng lâu dài các triệu chứng của bệnh nên nhiều cha mẹ nản lòng không tuân thủ đúng quá trình điều trị. Do vậy theo bác sĩ Tuấn, điều trị hen trẻ em đòi hỏi sự kiên nhẫn của người lớn vì thường kéo dài từ vài tháng đến vài năm. Không tự ý ngưng thuốc mặc dù tình trạng trẻ có khỏe hơn.

 

Chỉ có bác sĩ chuyên khoa mới có thể chỉ định giảm liều hay ngưng thuốc. "Tự ngưng thuốc đột ngột là yếu tố làm trẻ lên cơn hen nặng trở lại và tính mạng trẻ bị đe dọa theo từng cơn hen", bác sĩ Tuấn khuyến cáo.

 

Theo Mỹ Lan

Vnexpress