Tử vong vì ăn đồ... sống
(Dân trí) - Thói quen ăn các loại rau sống, gỏi cá, các món tái... sẽ khiến bạn gia tăng nguy cơ mắc những loại bệnh đáng sợ. Không chỉ là bệnh tiêu chảy mà có thể bị các bệnh nguy hiểm như sán lá gan, bệnh ấu trùng sán lợn...
1. Bệnh sán lá gan nhỏ
Theo BS Trần Văn Phúc, BV Xanh Pôn, sán lá gan nhỏ là bệnh của những người thích ăn gỏi cá. Khi ăn phải các loại cá nước ngọt chưa được nấu chín có chứa nang ấu trùng nguy cơ bị sán lá gan rất cao.
Khi bị nhiễm sán lá gan nhỏ, ở giai đoạn đầu, biểu hiện chủ yếu là rối loạn tiêu hoá như ăn uống kém, khó tiêu, đi ngoài phân lỏng hoặc táo bón. Có thể kèm theo đau tức nặng vùng gan, nổi ban ngoài da. Sau đó xuất hiện các triệu chứng rõ rệt hơn về tổn thương gan và đường mật do nhiễm sán.
Người bệnh có biểu hiện sút cân, phù hai chi dưới sau đó phù toàn thân, thiếu máu, chảy máu cam, xuất huyết tiêu hoá, đau tức vùng hạ sườn phải, vàng da vàng mắt... Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong.
2. Bệnh sán lá gan lớn
Thạc sĩ Đào Hạnh Nguyên, trưởng khoa khám bệnh chuyên ngành Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TƯ cho biết, khác với ấu trùng sán lá gan nhỏ thường cư trú ở loài cá, ấu trùng sán lá gan lớn thường bám vào các loại rau mọc ở dưới nước: rau ngổ, cải xoong, rau đắng, rau muống nước, rau cần... Nếu ăn phải những loại rau có ấu trùng sán lá gan lớn ký sinh, tất sẽ mang bệnh.
Sau khoảng 6 – 12 tuần khi sán lá gan lớn xâm nhập người bệnh có biểu hiện hay gặp nhất là đau bụng, sốt cơn, sút cân, nổi mề đay, ho, khó thở, đau ngực, rối loạn đại tiện, chán ăn và buồn nôn. Có khi đau khắp bụng nhưng thường khu trú ở vùng hạ sườn phải...
Khi sán lá gan lớn đã khu trú lâu trong cơ thể, gây ápxe có mủ, hủy hoại dần bộ phận gan. Bệnh có thể dẫn đến tử vong do vỡ bao gan, xuất huyết hoặc sốc nhiễm trùng vì viêm phúc mạc.
3. Bệnh ấu trùng sán lợn
Bệnh phát sinh do ăn phải trứng của sán dày lợn có trong rau sống, nguồn nước nhiễm bẩn, thức ăn và thịt lợn gạo chưa nấu chín. Phát hiện bệnh muộn, ấu trùng sán xuyên qua niêm mạc ruột đi vào máu, điều trị khó dứt điểm, dễ để lại các di chứng như động kinh, tổn thương dây thần kinh thị giác dẫn đến mù mắt vĩnh viễn.
Biểu hiện của bệnh là đi ngoài thấy xuất hiện các đốt sán trong phân, kèm theo đau bụng, rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, chán ăn. Ngoài biểu hiện các nang sán có ở trong cơ, các triệu chứng thần kinh của bệnh cũng rất đa dạng và phức tạp như động kinh, đau đầu, liệt, mờ mắt, giảm trí nhớ... do các nang sán định cư ở não và các cơ quan thần kinh khác. Các trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong.
Phòng bệnh
Cách phòng bệnh tốt nhất là chỉ ăn cá sau khi đã đảm bảo nấu chín, đặc biệt không nên ăn gỏi cá.
- Không ăn sống các loại rau thủy sinh.
- Khi rửa rau, tốt nhất, hãy rửa rau thật sạch dưới vòi nước chảy mạnh sau đó ngâm qua nước muối.
- Không ăn nem thính, thịt lợn sống tái chanh.
- Không sử dụng phân tươi của người và gia súc để bón ruộng.
Khi có triệu chứng nghi ngờ cần đi khám tại các cơ sở chuyên khoa để phát hiện bệnh sớm nhất và điều trị triệt để, tránh lây nhiễm cho cộng đồng.
Hà Linh