Từ tuyến đầu chống Covid-19: "Thời gian chính là thách thức lớn nhất"
(Dân trí) - Tại tâm dịch Hải Dương, các y, bác sĩ phải chạm trán với biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Cuộc chiến của lực lượng điều trị với "kẻ thù mới" này có gì đặc biệt?
Nữ công nhân làm tại Công ty TNHH Poyun được ghi nhận là ca mắc Covid-19 thứ 1552, đã mở đầu cho làn sóng đại dịch thứ tư ở nước ta. Trong đợt bùng phát dịch này, tỉnh Hải Dương trở thành tâm dịch lớn nhất cả nước.
Đáng chú ý, kết quả giải trình tự gen của 16 mẫu bệnh phẩm liên quan đến ổ dịch Hải Dương, Quảng Ninh, đã phát hiện 11 mẫu có trình tự gen tương tự virus B.1.1.7 lần đầu xuất hiện tại Anh (tháng 12/2020). Đây là biến chủng được các nhà khoa học thế giới đánh giá có khả năng lây lan mạnh hơn đến 70%. Và thực tế cũng cho thấy, dịch Hải Dương đang diễn biến rất nhanh, khi chỉ trong 1 tuần, toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 200 ca Covid-19 mới.
Để hiểu rõ hơn về những thách thức mà lực lượng tuyến đầu phải đối mặt khi chạm trán với biến thể virus mới, PV Dân trí đã có cuộc phỏng vấn với ThS.BSCKII Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám Đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cũng là trưởng đoàn chuyên gia hỗ trợ thiết lập và công tác điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 1, đặt tại Trung tâm Y tế thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Thách thức lớn nhất chính là thời gian
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương được Bộ Y tế giao thiết lập bệnh viện dã chiến đầu tiên tại Trung tâm Y tế thành phố Chí Linh, ngay khi dịch bùng phát. Nhiệm vụ này đã đặt ra những thách thức nào, thưa bác sĩ?
Thách thức lớn nhất mà chúng tôi phải đối mặt chính là vấn đề thời gian. Cụ thể, trong tình hình cấp bách lúc đó, chúng tôi phải chuyển đổi Trung tâm y tế Chí Linh thành bệnh viện dã chiến trong một thời gian rất ngắn. Nhóm tiền trạm tiến hành khảo sát từ 9h tối hôm trước; 8h sáng bắt đầu triển khai và đến 11h chúng tôi đã tiếp nhận những bệnh nhân Covid-19 đầu tiên.
Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên y tế tại đây khá mỏng, lại phải phân tán phần lớn lực lượng ra phục vụ các khu cách ly F1 nên nhân lực còn lại khá yếu. Chỉ có vài bác sĩ chuyên khoa 1 trở lên, còn lại đa số là bác sĩ đa khoa mới ra trường hoặc những chuyên khoa không liên quan đến truyền nhiễm. Chúng tôi phải tổ chức tập huấn cấp tốc, cử nhân viên vào làm cùng để hướng dẫn trực tiếp.
Vậy hiện tại Bệnh viện dã chiến số 1 được tổ chức như thế nào?
Chúng tôi tổ chức Bệnh viện thành 4 đội điều trị, mỗi đội chịu trách nhiệm 40-60 giường bệnh. Cơ cấu mỗi đội gồm 4 bác sĩ, 8 y tá trong vòng 1 trực tiếp điều trị bệnh nhân.
Vòng 2 gồm 1 bác sĩ có kinh nghiệm và 1-2 bác sĩ phụ việc chịu trách nhiệm cho chỉ định điều trị.
Vòng 3 là các chuyên gia từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chịu trách nhiệm hội chẩn và hướng dẫn điều trị trên từng ca bệnh cụ thể, để đảm bảo tất cả các bệnh nhân được theo dõi sát và điều trị chuẩn.
Trên Facebook cá nhân, bác sĩ có chia sẻ về một chiếc máy màu đen nhờ những người thợ ở Hải Dương làm. Đây có phải là một thiết bị tự chế để phục vụ cho Bệnh viện dã chiến số 1?
Đúng vậy! Chúng tôi phải sẵn sàng cho tình huống có bệnh nhân cần phẫu thuật, đẻ trong điều kiện chưa có phòng mổ áp lực âm. Thực tế hiện tại ở Trung tâm Y tế thành phố Chí Linh cũng đang có 2 sản phụ mắc Covid-19. Trong đó, 1 sản phụ đã mang thai 37 tuần, có thể chuyển dạ bất cứ lúc nào.
Bởi vậy chúng tôi cần thiết lập khoang áp lực âm trong phòng mổ. Để làm được điều đó, chúng tôi phải có những thiết bị nhằm thiết lập khoang áp lực âm này. Do điều kiện cần làm ngay nên chúng tôi cải tiến máy lọc không khí thành thiết bị hút áp lực âm. Hy vọng trong thời gian ngắn nhất các đơn vị kỹ thuật chính quy có thể giúp chúng tôi thiết lập được phòng mổ áp lực âm chuẩn.
Theo đáng giá của bác sĩ, hiện Bệnh viện dã chiến số 1 còn thiếu những thiết bị, vật tư nào khác, để phục vụ công tác điều trị bệnh nhân Covid-19?
Hiện tại trang thiết bị vẫn đang đủ. Nhưng với số lượng bệnh nhân liên tục gia tăng nên các tiêu hao về trang thiết bị phòng hộ (đặc biệt là mạng che mặt, khẩu trang N95) vẫn tiếp tục gia tăng, sẽ cần bổ sung tiếp.
Bệnh nhân mắc biến thể virus mới có thể diễn biến nhanh hơn
Kết quả phân lập virus cho thấy các bệnh nhân Hải Dương có nhiễm biến thể SARS-CoV-2 từ Anh. Triệu chứng của người mắc biến thể virus mới có khác biệt so với chủng cũ hay không?
Chúng tôi đã gửi một số mẫu bệnh nhân của bệnh nhân điển hình về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để xét nghiệm chuyên sâu và nghiên cứu về lâm sàng. Số ca này còn khá nhỏ nên chưa rút được ra những kết luận chắc chắn, nhưng thông qua việc nghiên cứu sơ bộ, chúng tôi nhận thấy rằng với chủng này, các diễn biến lâm sàng xảy ra sớm hơn so với những bệnh nhân nhiễm chủng cũ.
Các bác sĩ có phải thay đổi chiến lược điều trị với những bệnh nhân nhiễm biến thể SARS-CoV-2 mới không, thưa ông?
Do chưa có khẳng định chắc chắn về sự khác biệt, nên việc điều trị bệnh nhân nhiễm chủng mới cũng vẫn tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, do những bệnh nhân nhiễm chủng này có vẻ diễn biến lâm sàng nhanh hơn, nên việc theo dõi diễn biến bệnh nhân cần phải theo sát hơn.
Phát hiện kịp thời để xử lý sớm nhất có thể
Vậy tình hình sức khỏe của các bệnh nhân mà Bệnh viện dã chiến số 1 đang tiếp nhận hiện nay như thế nào?
Đặc thù của đợt bùng phát dịch ở Hải Dương lần này là tỷ lệ lớn các bệnh nhân xuất phát từ khu công nghiệp. Do đó, đa số là công nhân khỏe mạnh. Tuy nhiên, trong số những bệnh nhân từ cộng đồng, cũng ghi nhận nhiều bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh nền. Tuy nhiên giai đoạn này còn quá sớm để kết luận về tiên lượng của các bệnh nhân này.
Các nhà khoa học trên thế giới lo ngại rằng, biến thể SARS-CoV-2 mới sẽ làm tăng tỷ lệ tử vong và bệnh nhân nặng. Ông và các đồng nghiệp có dự phòng vấn đề này?
Đây là điều lo ngại nhưng chưa được khẳng định chắc chắn. Nên về mặt điều trị chúng tôi xác định phải theo dõi các diễn biến của bệnh nhân sát hơn nữa. Mục tiêu là phát hiện kịp thời để xử lý sớm nhất có thể, không để bệnh nhân diễn biến nặng. Với bệnh nhân nặng, không cho bệnh tiếp tục trầm trọng hơn.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, xin bác sĩ đưa ra khuyến cáo cho người dân để phòng bệnh hiệu quả lúc này?
Các khuyến cáo 5K của Bộ Y tế đã ban hành rất rõ ràng. Người dân nên tuân thủ thông điệp 5K của Bộ Y tế, phối hợp tốt với các cơ quan chức năng trong phòng chống dịch.
Xin cảm ơn bác sĩ!