Cuộc chiến cân não với biến chủng SARS-CoV-2 giữa tâm dịch Hải Dương
(Dân trí) - Sau hơn 50 ngày "bình yên", sự xuất hiện của ca Covid-19 trong cộng đồng tại Hải Dương (BN1552) đã mở đầu cho làn sóng thứ tư của đại dịch tại nước ta.
BN1552 là nữ công nhân tại Công ty TNHH Poyun, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Chưa xác định được nguồn lây, cộng với việc bệnh nhân đã tiếp xúc với rất nhiều người, Bộ Y tế nhận định tình hình ở Hải Dương rất phức tạp và có thể bùng phát thành ổ dịch lớn.
Ngay trong ngày 28/1, Bộ Y tế đã điều động nhiều lực lượng để chi viện tổng lực cho tỉnh Hải Dương. Trong đó, lực lượng chi viện của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) có nhiệm vụ chính là hỗ trợ công tác điều trị bệnh nhân Covid-19.
"Thời điểm chúng tôi vừa đến Hải Dương, tình hình rất phức tạp. Chỉ trong ngày 28/1, Hải Dương đã ghi nhận đến 84 ca bệnh và rất nhiều trường hợp tiếp xúc gần. Vì ít kinh nghiệm trực tiếp đối mặt với tình huống phức tạp như thế này, nên các bộ phận chuyên môn tại Hải Dương trong tình trạng rất rối", TS.BS Vũ Minh Điền, Phó giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch và Tiêm chủng vắc xin, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cũng là một thành viên trong lực lượng chi viện cho Hải Dương, nhớ lại.
Xuyên đêm thiết lập bệnh viện dã chiến hơn 200 giường
Trong cuộc họp chiều tối 28/1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo các bộ phận liên quan thiết lập 3 bệnh viện dã chiến tại Hải Dương, để thực hiện điều trị tại chỗ các ca bệnh.
Lực lượng chi viện của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có nhiệm vụ thiết lập bệnh viện dã chiến thứ nhất tại Trung tâm Y tế Chí Linh.
Nhiệm vụ thiết lập khu điều trị tập trung cho bệnh nhân Covid-19 chỉ trong một ngày ngày là một thử thách lớn với lực lượng thực địa.
Theo BS Điền, 3 vấn đề lớn nhất được đặt ra thời điểm đó chính là: giải phóng bệnh nhân sẵn có của Trung tâm Y tế Chí Linh; thiết lập lại cơ sở vật chất; tập huấn kiến thức kiểm soát nhiễm khuẩn, điều trị bệnh nhân Covid-19 cho lực lượng y tế sẵn có.
BS Điền phân tích: "Vừa phải làm thủ tục giải phóng các bệnh nhân thường ra viện, vừa tiếp nhận bệnh nhân Covid-19, khiến khối lượng công việc của chúng tôi như nhân đôi. Một vấn đề khác là hệ thống hạ tầng ở đây khá thiếu thốn, có nhiều điều kiện không đáp ứng để trở thành khu cách ly điều trị cho bệnh nhân Covid-19, điển hình như hệ thống thông gió".
Theo BS Điền, kinh nghiệm thu dung những lượt bệnh nhân lớn như đoàn từ Vũ Hán hay đoàn công dân từ Ghi-nê Xích đạo chính là bài học đắt giá cho thử thách lần này.
"Kinh nghiệm giúp chúng tôi xây dựng được phương án rất hiệu quả. Nhờ đó, công tác thiết lập bệnh viện dã chiến đã được tiến hành rất nhanh, không bị rối loạn. Mỗi người một công việc, xuyên đêm làm nhiệm vụ để có thể sẵn sàng tiếp nhận một lượng lớn bệnh nhân Covid-19 vào ngay sáng hôm sau", BS Điền cho hay.
Ngay trong ngày đầu tiên chính thức bước vào hoạt động, bệnh viện dã chiến được thiết lập tại Trung tâm Y tế thành phố Chí Linh đã tiếp nhận đến gần 70 bệnh nhân Covid-19.
Phương án thu dung bệnh nhân theo từng khu nhà. Khi khu nhà này đủ bệnh nhân sẽ tiếp tục đến khu nhà tiếp theo, giúp quá trình thu dung không bị rối loạn.
Trong mỗi khu điều trị được thiết lập 3 vùng, bao gồm: vùng dành cho bệnh nhân Covid-19, vùng đệm và phòng làm việc của các y, bác sĩ.
Quá trình thiết lập và hoàn thiện bệnh viện dã chiến này vẫn tiếp tục được thực hiện trong những ngày tiếp theo.
"Trong số các bệnh nhân mà chúng tôi tiếp nhận có 2 sản phụ, trong đó 1 sản phụ đã ở tuần thai thứ 35 có thể sẽ sinh bất cứ lúc nào. Do đó, chúng tôi đã nhanh chóng thiết lập 2 phòng mổ áp lực âm dã chiến, cải biến từ các trang thiết bị sẵn có để có thể sử dụng trong trường hợp phải mổ đẻ cho sản phụ, cũng như tiến hành các ca phẫu thuật khác", BS Điền phân tích.
Các chuyên gia của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng thiết lập phòng hồi sức tích cực (ICU), để đề phòng trường hợp có bệnh nhân diễn tiến nặng. Theo BS Điền, đây cũng là một nhiệm vụ không hề dễ dàng.
Chuyên gia này chia sẻ:"Điều kiện cấp cứu hồi sức sẵn có của Trung tâm Y tế Chí Linh rất đơn giản, chỉ có bình khí oxy thép và ống thở oxy. Chúng tôi xác định không kỳ vọng thiết lập ICU lớn để có thể cho bệnh nhân thở máy xâm nhập kéo dài. Mục tiêu là thiết lập ICU đủ để trong trường hợp bệnh nhân trở nặng, có thể phát hiện kịp thời, để thực hiện cấp cứu ban đầu. Hiện tại, ICU được thiết lập có thể tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân".
Thách thức khi chạm trán biến chủng mới của SARS-CoV-2
Ổ dịch tại thành phố Hải Dương được cho là có liên quan đến biến chủng virus SARS-CoV-2 mới được ghi nhận ở Anh. Đây là biến chủng được nhiều nghiên cứu chứng minh có khả năng lây lan mạnh hơn chủng củ 70%.
Theo BS Điền, chủng virus mới đặt ra cho lực lượng điều trị nhiều thách thức, đặc biệt trong công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.
"Đứng trước một mầm bệnh nguy hiểm, lây lan nhanh và thông tin về nó vẫn chưa được giải mã hết, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm được đẩy lên mức cao nhất, trong đó: phân luồng, cách ly, thực hiện giãn cách là tối quan trọng", BS Điền nhấn mạnh.
Tuy nhiên, việc đẩy cấp độ bảo vệ lên mức tối đa cũng không thể loại trừ 100% khả năng lực lượng y tế bị phơi nhiễm từ bệnh nhân. Do đó, các kịch bản ứng phó với tình huống có y, bác sĩ bị lây nhiễm chéo cũng đã được xây dựng sẵn.
Chiến lược cho cuộc chiến dài hơi với Covid-19
Trung tâm Y tế thành phố Chí Linh hiện có khoảng 170 nhân viên y tế tham gia chống dịch. Trong khi đó lượng bệnh nhân đang điều trị ở thời điểm hiện tại là khoảng 160 người và có thể tăng thêm (công suất tối đa 250 bệnh nhân).
Lực lượng y, bác sĩ được tổ chức thành các kíp thay phiên nhau. Trung bình, mỗi 30 bệnh nhân sẽ bố trí 1 bác sĩ và 1 điều dưỡng vòng trong; 1 bác sĩ và 1 điều dưỡng ở vòng ngoài.
Phân tích về chiến lược phân phối nhân lực này, theo BS Điền, cuộc chiến với Covid-19 có thể còn kéo dài. Do đó, phải đảm bảo có sự luân phiên nhau của lực lượng điều trị, để không ai bị quá sức.
BS Điền nói: "Mỗi một ca trực, anh em phải làm việc liên tục 8 tiếng trong trang phục bảo hộ trùm kín người, rất vất vả. Do đó, phải đảm bảo thời gian nghỉ ngơi cho lực lượng điều trị để dưỡng sức, bám trụ lâu dài với cuộc chiến".
Lực lượng chi viện của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương không tham gia điều trị trực tiếp, mà có nhiệm vụ chính là giảng dạy, tập huấn, hướng dẫn chuyên môn. Đồng thời, tạo một hệ sinh thái để kết nối lực lượng điều trị trực tiếp và chuyên gia, để có thể trao đổi chuyên môn và hỗ trợ đưa ra các quyết định điều trị.
"Đến nay, hệ thống báo cáo đã rất hoàn chỉnh, tình hình ca bệnh được cập nhật theo từng giờ. Từ đó, giúp nâng cao hiệu quả điều trị", BS Điền cho hay.
Thử thách lớn vẫn còn ở trước mắt
Trong số khoảng 160 ca Covid-19 tại Trung tâm Y tế thành phố Chí Linh, hiện có khoảng 10 bệnh nhân có tình trạng tổn thương phổi. Tuy nhiên, theo nhận định của BS Điền, thử thách lớn nhất có thể vẫn còn ở trước mắt.
Cụ thể, thống kê cho thấy, Covid-19 thường khởi phát nặng nhất vào ngày thứ 7 - ngày thứ 10. Theo tính toán, từ khi dịch bệnh bắt đầu lây nhiễm trong cộng đồng xuất phát từ BN1552, đến nay cũng đã bước sang tuần thứ 2, đây là giai đoạn có thể ghi nhận nhiều ca bệnh nặng.
"Tôi thường nói với các đồng nghiệp rằng, cuộc đua đã bắt đầu đến hồi cao trào. Chiến lược điều trị của chúng tôi là phải phát hiện sớm nhất và xử lý kịp thời không cho bệnh nhân tiến triển nặng. Với bệnh nhân đã trở nặng, cố gắng không cho bệnh tiếp tục trầm trọng hơn, vì nếu bệnh nhân phải thở máy, chạy ECMO (tim phổi nhân tạo) thì rất nguy hiểm", BS Điền chia sẻ.
"Chúng tôi có niềm tin rằng, sẽ kiểm soát tốt được tình hình", BS Điền khẳng định.
Khi được hỏi về kế hoạch quay trở lại Hà Nội, chuyên gia này cười nói: "Chúng tôi lúc lên đường, đã xác định có thể sẽ ở lại ăn Tết với bà con Hải Dương".