Tự tử: Phổ biến nhất là uống thuốc
(Dân trí) - Việt Nam là một trong các nước có tỷ lệ bệnh nhân tự tử cao nhất trong số các trường hợp nhiễm độc cấp. Chỉ riêng tại BV Nhi Đồng 1 đã có 4 trường hợp trẻ tự tử bằng thuốc diệt rầy trong vòng 1 tháng qua.
Qua khảo sát kéo dài 1 năm (5/2007 - 5/2008) tại bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương (BV CCTV), BS Phạm Anh Tuấn cho biết có 310 ca tự tử, trong đó 4 ca tử vong.
Tỉ lệ phụ nữ (71,9%) tự tử nhiều hơn nam giới (28,1%). Lứa tuổi tự tử nhiều nhất là những thanh thiếu nữ dưới 25 tuổi (59,7%) và càng nhiều tuổi thì tỷ lệ tự tử càng thấp.
Giới công nhân, học sinh - sinh viên là giới có tỷ lệ tự tử cao nhất và nhà là nơi mà hầu hết bệnh nhân chọn làm nơi tự tử.
Phương thức tự tử phổ biến của các bệnh nhân là uống thuốc hay uống các loại hoá chất (chiếm tới 97,7%), thông dụng nhất là các loại phục vụ nông nghiệp như thuốc diệt sâu rầy có hay không có phốt pho hữu cơ, thuốc diệt cỏ. Còn lại là treo cổ hay cắt mạch máu với tỷ lệ tương ứng là 1,3% và 1%.
Theo TS Huỳnh Văn Sơn, Trưởng bộ môn Tâm Lý học trường ĐH Sư phạm TP HCM, những người trẻ tuổi thường tự tử do bị áp lực vượt quá sức chịu đựng (học hành, thi cử…) hay bị rối nhiễu trầm cảm, không biết cách đối diện với những khủng hoảng… Tuy nhiên, thực chất đây không phải là những vấn đề nghiêm trọng bởi ai cũng từng trải qua trầm cảm, stress cấp… ít nhất một lần trong đời.
Ngoài ra, còn có những yếu tố ngoại lai chi phối suy nghĩ làm cho con người dễ đi đến những hành động sai lầm đáng tiếc như không có được sự hỗ trợ tích cực của người thân, bạn bè, chuyên viên tư vấn. Hay chính từng cá nhân đó không tích lũy được những kỹ năng sống cần thiết để biết cách đối phó với những khủng hoảng xảy ra trong cuộc sống.
Ngọc Thanh