Tù mù thị trường thực phẩm - dược phẩm
Các loại thực phẩm chức năng đang có mặt nhiều trên thị trường. Nhưng nhiều sản phẩm đang được quảng cáo quá mức, thậm chí gây nhầm lẫn về tác dụng chữa bệnh cho người tiêu dùng.
Thi nhau bổ sung dưỡng chất
Vì tính chất sử dụng đơn giản, lại được quảng cáo có tác dụng bổ dưỡng, tăng sức đề kháng và giảm nguy cơ gây bệnh, thực phẩm chức năng ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Các nhà sản xuất vì thế cũng đang cố gắng “gắn” thêm những chức năng vào sản phẩm của mình với hàng loạt các dưỡng chất bổ sung hay các bài thuốc dân gian, cổ truyền với những công dụng trị liệu cụ thể như thuốc.
Có thể nói, cứ 100 mặt hàng thực phẩm, nước giải khát, sữa có mặt trên thị trường hiện nay thì đã có hết 99 loại được quảng cáo có bổ sung dưỡng chất “rất cần thiết cho cơ thể”. Chỉ tính riêng mặt hàng sữa đã có vài chục loại sữa được bổ sung các dưỡng chất từ canxi, lysine đến DHA, ARA, sắt, kẽm… Nhiều loại sữa còn được quảng cáo: “có thể làm tăng chỉ số IQ và EQ cho trẻ”.
Các dưỡng chất cũng được chọn lựa để bổ sung vào từng loại sản phẩm phục vụ cho từng đối tượng khách hàng, ví như: những loại thực phẩm dành cho trẻ nhỏ thì được bổ sung DHA, ARA tốt cho sự phát triển trí tuệ của trẻ; khách hàng lớn tuổi thì có loại thực phẩm bổ sung canxi, các loại thảo dược; giới trung niên thì có sản phẩm bổ sung các loại vitamin tốt cho tóc và da, các khoáng chất tốt cho sự phát triển, vận động cơ bắp.
Ngoài các sản phẩm ngoại nhập, nhiều công ty trong nước cũng vào cuộc sản xuất các loại thực phẩm, thức uống bổ dưỡng kết hợp với thảo dược có tác dụng bổ dưỡng và củng cố chức năng của các bộ phận trong cơ thể. Nhiều loại thực phẩm đóng hộp được chế biến với thành phần dược thảo chính là các bài thuốc dân gian, cổ truyền như: gà ác tiềm thuốc bắc; gà ác hầm nấm linh chi; tụy heo hầm hoài sơn; cháo bát bảo nhân sâm…
Nhập nhằng thực phẩm - dược phẩm
Sự có mặt của thực phẩm chức năng là thật sự cần thiết khi nó góp phần chăm sóc sức khỏe mà có thể không cần phải trả thêm tiền tư vấn, kê đơn như trước đây. Tuy nhiên, việc phân phối một số loại sản phẩm này theo cách truyền tiêu với sự quảng cáo quá mức về tác dụng đang thực sự gây ra những bất lợi, thậm chí có hại cho người tiêu dùng.
Theo quy định của Bộ Y tế, từ năm 2004, tất cả các thực phẩm chức năng đều phải ghi nhãn rõ ràng: “Thực phẩm này không phải là thuốc - không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều doanh nghiệp truyền tiêu đa cấp vẫn đánh vào sự thiếu hiểu biết của một số người tiêu dùng mặt hàng này bằng cách quảng cáo lập lờ giữa thực phẩm chức năng và thuốc để bán với mức giá “cắt cổ”. Nhiều loại thực phẩm được quảng cáo quá mức về tác dụng, thậm chí được giới thiệu như “thần dược chữa bách bệnh” với giá có khi lên đến hàng triệu đồng một sản phẩm.
Một số doanh nghiệp truyền tiêu đa cấp vẫn áp dụng chiêu thức: đưa ra các loại thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng và nâng giá lên hàng trăm lần và bán cho những hội viên trong mạng lưới, bán cho người tiêu dùng và kích thích họ bằng những khoản hoa hồng cao khi họ giới thiệu được những đại lý, những người mua hàng mới.
Mới đây, trên thị trường đã xuất hiện sản phẩm tảo xoắn của Trung Quốc được giới thiệu là có những công dụng thần bí, phòng và trị được hàng trăm loại bệnh, kể cả bệnh nan y với giá 600-700.000 đồng/lọ; hay loại trà giảm béo mà theo nhân viên bán hàng của một công ty đa cấp là loại trà đa tác dụng, muốn giảm béo thì uống trước khi ăn, muốn tăng cân thì uống sau khi ăn và nếu không muốn tăng - chẳng muốn giảm thì uống lúc nào cũng được (?!).
Theo tiến sĩ - dược sĩ Nguyễn Hữu Đức - Trường ĐH Y Dược TP.HCM, việc lập lờ giữa thực phẩm và thuốc sẽ dễ gây ra sự ngộ nhận vì người tiêu dùng thiếu hiểu biết về công dụng, hiệu quả của sản phẩm được giới thiệu, quảng cáo. Từ đó sinh ra tâm lý chủ quan, không đến bệnh viện để khám bệnh ngay cả khi sức khỏe có vấn đề. Căn bệnh (và có thể cả bệnh tiềm ẩn) sẽ phát triển và đến lúc bùng phát thì không thể cứu vãn nổi.
Theo Sài Gòn giải phóng