1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tự chủ toàn diện: Bệnh viện bị "chặt tay, chặn chân" không làm được

Nam Phương

(Dân trí) - Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K đều xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện sau 2 năm thực hiện. Chuyên gia cho rằng chúng ta chưa đủ cơ sở pháp lý để thực hiện và các nơi đang thực hiện tự chủ "nửa vời".

Tự chủ "nửa vời": Nhân sự không được tự quyết, máy móc không tự mua mới

Sau 2 năm thực hiện thí điểm, lần lượt Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K đều xin dừng tự chủ toàn diện theo nghị quyết 33 chuyển sang thực hiện tự chủ một phần theo nghị định 60. Theo 2 bệnh viện, họ gặp vô vàn khó khăn trong quá trình thực hiện như mô hình quản lý chồng chéo, thu không đủ chi, giá dịch vụ y tế chưa tính đúng tính đủ… Thậm chí có ý kiến cho rằng cho tự chủ nhưng lại không cho họ làm gì.

TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, theo quy định, bệnh viện tự chủ về hoạt động chuyên môn, tổ chức bộ máy, nguồn tài chính trong đó có giá dịch vụ y tế, mua sắm trang thiết bị nhưng toàn bộ các khía cạnh đó đều quy định mang tính chất "nửa vời", không có cơ sở để thực hiện.

Ông lấy ví dụ với vấn đề nhân lực, để thực hiện công tác nhân sự bệnh viện vẫn phải xin ý kiến Bộ Y tế. Hay vẫn giao các bệnh viện này là tuyến đầu hỗ trợ chuyên môn y tế cho tuyến dưới- chỉ đạo tuyến, đào tạo, chuyển giao công nghệ nhưng ngân sách Nhà nước không chi mà bệnh viện phải tự chủ. Trong khi đó, vấn đề tài chính của bản thân bệnh viện cũng không đủ.

"TS Dương Đức Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai đã nói: Giao cho chúng tôi tự chủ nhưng chúng tôi chẳng được tự chủ cái gì thì làm sao thí điểm thành công được", ông Quang chia sẻ.

Đặc biệt, giao tự chủ cho bệnh viện nhưng thực chất bệnh viện không làm được gì vì các hoạt động đó liên quan đến nhiều luật như đấu thầu, quản lý tài sản công, luật giá… Thực tế, trong 2 năm thực hiện thí điểm, cả Bệnh viện Bạch Mai, K đều không trang bị thêm được bất cứ thiết bị máy móc gì. 

Minh chứng thêm về những điểm bất cập trong thực hiện tự chủ, TS Quang cho biết hiện bệnh viện cũng không có cơ chế để thu thêm tiền của người bệnh. Như Bệnh viện Bạch Mai báo cáo trong 2 năm họ bị hụt nguồn thu đến 4.000 tỷ đồng, họ phải lấy tiền từ quỹ phát triển sự nghiệp, quỹ dự phòng để chi tiền lương cho hơn 4.000 nhân viên y tế. 

Hay như việc tổ chức dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu vẫn phải thực hiện theo khung giá Bộ Y tế quy định. Tuy nhiên, đến nay hơn 2 năm Bộ Y tế vẫn chưa ban hành được khung giá này. Từ đó, dẫn tới khủng hoảng về nguồn thu, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, tiền lương không đảm bảo. 

Một ví dụ khác là về giá dịch vụ y tế đã có nghị quyết của Đảng là phải tính đúng tính đủ các yếu tố cấu thành giá, nhưng hiện nay mới tính được 4/7 yếu tố cấu thành giá. Trong đó chi tiền lương tiền công mới chỉ là một phần của viện phí chưa tính đúng tính đủ. Vì thế, tại các bệnh viện nguồn tài chính thu bây giờ là nguồn tài chính thu nửa vời. Trong khi đó phải chi cho rất nhiều hoạt động khác cả chỉ đạo tuyến, đào tạo, chuyển giao công nghệ… 

"Các bệnh viện đang bị "chặt tay, chặt chân" không thực hiện được", TS Quang chia sẻ. 

Tự chủ toàn diện: Bệnh viện bị chặt tay, chặn chân không làm được - 1

TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế).

Nhiều cái khó

GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí - ĐBQH, Thành viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương chỉ ra những cái khó của bệnh viện khi thực hiện tự chủ toàn diện. Đó là nghị quyết 33 ra đời nhưng các văn bản pháp quy hướng dẫn thực hiện đang bị thiếu rất nhiều, từ cơ chế, nguyên tắc, xác định đối tượng phục vụ cho đến phân chia, thuế…

Đảng và Chính phủ chủ trương cho phép làm tự chủ toàn diện, toàn phần hay một phần là nhằm làm cho các hoạt động của bệnh viện được thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả nhưng phải đảm bảo phục vụ tốt hơn cho người bệnh, cho nhân dân. Nhưng trên thực tế các quy định nhằm đảm bảo sự thông thoáng, thuận lợi, hiệu quả để bệnh viện tự chủ làm thì đều đang vướng.

TS Quang đánh giá vấn đề "chọn mẫu" để thí điểm tự chủ toàn diện cũng chưa đạt. "Mong muốn tiến tới tự chủ toàn diện nhưng chúng ta chỉ thí điểm ở 4 bệnh viện trong tổng số 1.400 bệnh viện công lập, đặc biệt lại chọn 4 bệnh viện đều đã có thương hiệu. Các bệnh viện này không cần làm nhận diện thương hiệu, đạt chất lượng dịch vụ gì người dân đã tự đến", ông Quang đánh giá.

Mục đích chọn 4 bệnh viện này nhằm có cơ sở thí điểm thành công. Nhưng sau 2 năm triển khai chỉ có 2 Bệnh viện thí điểm là K và Bạch Mai, 2 cơ sở không thực hiện được là Việt Đức, Chợ Rẫy.  

Tự chủ toàn diện: Bệnh viện bị chặt tay, chặn chân không làm được - 2

GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí - ĐBQH, Thành viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.

"Bên cạnh đó, các cơ chế cũng vô cùng lỏng lẻo. Nhà nước đầu tư cho các bệnh viện từ đất đai, nhà cửa, con người… nhằm phục vụ người bệnh, giờ chuyển sang tự chủ toàn diện, bệnh viện lại dùng những nền tảng này để tổ chức làm và thu lại cho được nhiều tiền nhất. Vậy câu hỏi đặt ra là vai trò của bệnh viện trong việc phục vụ nhân dân, nhất là người nghèo nằm ở đâu? Bệnh viện được phép sử dụng bao nhiêu phần trăm trong số đó cho phần làm dịch vụ, còn lại vẫn phải phục vụ nhân dân. Đó là điểm rất quan trọng", GS Trí cho biết. 

Theo ông, đây là nút thắt quan trọng mà Đảng, Chính phủ cần xem xét để tháo gỡ từ đó mới triển khai được. Tự chủ là chủ trương đúng nhưng còn nhiều điểm chưa rõ, chưa ổn. 

Đề xuất dừng tự chủ toàn diện

Theo TS Quang, tự chủ ở đây là nhằm đảm bảo sử dụng có hiệu quả tất cả các nguồn lực: nhân lực, vật lực, tài lực để xây và phát triển bệnh viện. Khi đó, bệnh viện đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh theo yêu cầu của người dân song vẫn phải đảm bảo công bằng cho các đối tượng khác trong đó có người nghèo. Tự chủ cũng được hiểu là để bệnh viện tự chủ thực hiện tất cả các nhiệm vụ được giao. 

"Đây là mong muốn của Chính phủ khi thí điểm, nhưng quá trình thử nghiệm đó thành công hay không thành công, chúng ta cần có tổng kết, đánh giá. Trong trường hợp không thành công, chúng ta cũng mạnh dạn cho dừng thí điểm để thực hiện mô hình hiện nay đã được Chính phủ cho phép là nghị định 60 về tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập", TS Quang nói. 

"Với kinh nghiệm của cá nhân tôi, với gần 40 năm làm việc trong ngành y tế, chủ yếu làm chính sách pháp luật thì tôi thấy các hoạt động tự chủ hiện thiếu cơ chế pháp lý. Nhưng kể cả có cơ chế đi chăng nữa thì những điều kiện cần và đủ cho bệnh viện tự chủ toàn diện (tổ chức bộ máy, tài chính…) đều không có cơ chế pháp lý để đảm bảo. Bộ Y tế nên đề nghị Chính phủ cho các bệnh viện này tạm dừng để họ áp dụng tự chủ theo chi thường xuyên", TS Quang phân tích tiếp.

Tương tự, GS Trí nhấn mạnh: "Khi nghị quyết 33 chưa đủ điều kiện thực hiện thì nên tạm dừng làm thí điểm tự chủ toàn diện lại để xem xét tất cả các vấn đề, khi nào đầy đủ đảm bảo được thì mới triển khai". 

Để thực hiện tự chủ toàn diện cần phải có cơ chế thật rõ ràng. Chẳng hạn, bệnh viện được sử dụng bao nhiêu phần trăm trong số tài sản, vật tư, trang thiết bị, đất đai, nhà xưởng, nhân lực cho làm dịch vụ, còn bao nhiêu phần trăm vẫn phải phục vụ người dân khám Bảo hiểm y tế như bình thường. 

"Và phải có quy định cho phép họ được làm gì. Nếu làm được thì các bệnh viện mới yên tâm thực hiện. Nếu không có thì hôm nay điều này có thể nói là đúng nhưng sau này nhìn lại có thể nói là một loạt sai phạm. Điều này rất nguy hiểm. Tôi ủng hộ việc 2 bệnh viện xin dừng không làm tự chủ toàn diện", GS Trí nói.

Ông cũng mong Chính phủ sớm tìm cách tháo gỡ, xem xét lại những điều kiện, cơ chế, chính sách pháp lý liên quan đến việc tự chủ nói chung.