1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Trước mang thai chị em cần chuẩn bị gì để con khỏe?

(Dân trí) - Để chuẩn bị cho việc mang thai, chị em nên đi khám sức khỏe để phát hiện các bệnh lý phụ khoa, tan máu bẩm sinh, tiêm phòng rubella, viêm gan B, cúm, uống bổ sung sắt và acid folic…

Theo bác sĩ Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ truyền thông và Giáo dục, Tổng cục Dân số, Bộ Y tế qua việc đi khám sức khỏe, bác sĩ sẽ nắm được tiền sử bệnh, loại thuốc đang sử dụng… Ngoài ra, chị em phải ngưng uống một số thuốc làm ảnh hưởng đến việc thụ thai.

Nếu đã lên kế hoạch có con, phụ nữ cần đi khám để phát hiện các bệnh lý phụ khoa. Trong trường hợp đang có bệnh thì cần điều trị dứt điểm vì nếu không sẽ ảnh hưởng đến quá trình mang thai. Một số bệnh lý phụ khoa có thể được kể đến như viêm phụ khoa, polyp cổ tử cung, u buồng trứng, lạc nội mạc tử cung…

Chị em cũng nên xét nghiệm máu để tìm các bệnh lý về máu như thiếu máu, thalassemia,… hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục ảnh hưởng đến thai kỳ như viêm gan B, HIV, giang mai…

Trước mang thai chị em cần chuẩn bị gì để con khỏe? - 1

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho thai kỳ, người mẹ cần tìm gặp bác sĩ chuyên khoa nếu đang bị tiểu đường, hen suyễn hoặc huyết áp cao.

"Trước khi mang thai, phụ nữ đi khám sức khỏe để từ đó, họ sẽ được bác sĩ khuyên có chế độ ăn lành mạnh. Ví dụ nên dùng 0.4 miligram acid folic mỗi ngày để giúp giảm nguy cơ sinh con mắc dị tật ống thần kinh", BS Phương cho biết.

Đồng thời, tập thể dục đều đặn, giảm cân nếu bạn đang quá cân hay béo phì. Ngưng hút thuốc, uống rượu bia hay sử dụng các thuốc bất hợp pháp.

Tiêm vắc xin phòng bệnh cúm, rubella, viêm gan B

Theo bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (Hà Nội), 3 tháng trước khi có thai, chị em nên tiêm phòng các bệnh như cúm, rubella, viêm gan B... vì nó có thể ảnh hưởng đến thai nhi hoặc lây nhiễm cho em bé sau khi sinh.

Thai phụ mang thai đặc biệt trong 3 tháng đầu mà bị rubella thì gần như 100% phải đình chỉ thai vì trẻ sinh ra dễ bị mù, điếc, dị tật tim, rối loạn thần kinh. Tương tự khi mẹ bị viêm gan B thì có thể truyền bệnh cho con qua nhau thai. Một khi trẻ đã bị viêm gan khi sinh thì 90% là chuyển thành viêm gan mạn tính, chỉ có một số ít hồi phục hoàn toàn.

Vì thế, trước khi quyết định có thai chị em nên đi thử máu để xem liệu cơ thể đã có miễn dịch với bệnh hay chưa. Nếu cơ thể đã có kháng thể viêm gan B và rubella thì không cần thiết phải tiêm ngừa hai loại này. Tuy nhiên cũng cần xem nồng độ kháng thể như thế nào, nếu thì thấp thì nên tiêm phòng nhắc lại. Nếu chưa có thì nên chích ngừa để phòng bệnh.

2 tháng trước khi có thai thì nên tẩy giun vì trong lúc có thai không nên tẩy. Có nhiều chị em mang thai rồi mới phát hiện nhiễm giun ở mức cần điều trị vì nếu không sẽ có hại cho cả mẹ và con. Trong trường hợp đó, việc cho thai phụ uống thuốc tẩy giun là cần thiết.

Một tháng trước khi có thai thì nên bổ sung viên sắt và acid folic.

Trong thai kỳ, tránh tiếp xúc với các chất ở nhà hay nơi làm việc mà có thể gây hại cho thai nhi.

Khi đang có bầu, chị em cần tiếp tục giữ gìn và chăm sóc sức khỏe của bản thân thật tốt trong quá trình mang thai. Đi khám thai sớm và đều đặn trong suốt thai kỳ. Điều này rất quan trọng vì mỗi lần khám. Bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe của cả mẹ và bé để phát hiện và giải quyết kịp thời bất cứ vấn đề nào có thể xảy ra.

Hà An