Triệu chứng u nang buồng trứng
(Dân trí) - U nang buồng trứng là bệnh lý phụ khoa thường gặp ở mọi đối tượng từ bé gái tuổi dậy thì đến người già > 80 tuổi. Đa phần u loại này là lành tính, song có một tỷ lệ nhỏ phát triển thành ung thư.
U nang buồng trứng là gì?
Buồng trứng là cơ quan sinh dục có chức năng điều khiển ngoại tiết cũng như nội tiết của cơ thể người phụ nữ. Nó còn tạo ra trứng, nuôi dưỡng và phóng thích trứng, tạo ra quá trình hành kinh, thụ thai.
Ngoài ra, buồng trứng còn điều tiết quá trình sản sinh hormone sinh dục estrogen và progesterone, hỗ trợ hoạt động của tử cung, hệ nội tiết, giúp phát triển các cơ quan sinh dục, nuôi dưỡng da, tóc, vóc dáng mềm mại, duy trì quá trình sản sinh dịch âm đạo, cân bằng sinh lý nữ, thậm chí còn tác động lên tuyến vú và quá trình chuyển hóa xương.
Theo bác sĩ CKI Nguyễn Văn Mạnh, Phó trưởng khoa Sản, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh), u nang buồng trứng là một khối chứa dịch nhầy hoặc chất rắn có dạng như bã đậu phát triển bất thường trên hoặc bên trong buồng trứng. Đây là bệnh lý phụ khoa thường gặp ở mọi đối tượng từ bé gái tuổi dậy thì đến người già > 80 tuổi, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt, chất lượng cuộc sống và khả năng sinh sản của nữ giới.
U nang buồng trứng có nguy hiểm không?
U nang buồng trứng thường được chia làm 2 loại: u nang cơ năng và u nang thực thể.
U nang buồng trứng cơ năng thường là u lành tính, có thể tự biến mất và không gây nguy hiểm. Ngược lại, u nang buồng trứng thực thể thường tiến triển chậm, âm thầm qua nhiều năm. Khi triệu chứng rõ rệt tức là u đã to và chèn ép vào các tạng xung quanh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng tới tính mạng.
Những khối u lớn không được phẫu thuật kịp thời sẽ gây chèn ép các cơ quan xung quanh, nguy cơ vỡ, viêm phúc mạc, nhiễm trùng… có thể ảnh hưởng tới tính mạng bệnh nhân.
Trong đó, xoắn u nang buồng trứng là dạng biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng người bệnh, bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là phụ nữ tuổi 30 trở lên.
90% u nang buồng trứng là các khối u lành tính (ít gây ung thư), 10% phát triển thành ác tính. U buồng trứng ở người trẻ tuổi thì nguy cơ ác tính tương đối cao.
U có thể xuất hiện và phát triển ở cả hai bên buồng trứng. Nếu bị ở cả hai bên buồng trứng thì biến chứng sẽ nặng hơn nếu chỉ bị một bên buồng trứng. Phần lớn các trường hợp mắc u nang buồng trứng được phát hiện bằng phương pháp chụp X-quang hoặc khi mổ lấy thai.
Nguyên nhân nào dẫn đến u nang buồng trứng?
Có rất nhiều yếu tố khiến chị em mắc u nang buồng trứng như: do nhiễm trùng vùng chậu nghiêm trọng, lạc nội mạc tử cung, thai kỳ, di truyền… Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự hình thành, phát triển của u nang buồng trứng là do rối loạn nội tiết tố, tình trạng suy giảm năng lượng tế bào dẫn đến giảm và mất thông tin liên lạc giữa các tế bào, gây rối loạn quá trình chết tế bào theo chương trình (suy giảm miễn dịch) và hình thành khối u.
Biểu hiện của u nang buồng trứng
U nang buồng trứng tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau và thường phát triển âm thầm. Tuy nhiên, chị em có thể nhận thấy một số dấu hiệu như:
- Đau, khó chịu tại vùng chậu hoặc thắt lưng.
- Khó chịu, tức hoặc đau vùng bụng dưới, chướng bụng, đầy hơi, buồn nôn.
- Đi tiểu nhiều do u nang phát triển và chèn ép lên bàng quang, khiến tiểu không tự chủ.
- Đau khi giao hợp với những trường hợp u chèn ép lên tử cung, cổ tử cung.
- Gây rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, lượng máu kinh, gây đau bụng kinh.
- Cơ thể gầy yếu nhưng bụng to bất thường.
Phương pháp điều trị cũng sẽ dựa trên loại khối u. Với u nang cơ năng dạng nang bọc noãn, nang hoàng thể, người bệnh nên theo dõi từ 2 đến 3 tháng xem có nên phẫu thuật hay không. Với u nang thực thể, biện pháp tốt nhất để loại bỏ các khối u này là phẫu thuật loại bỏ từ sớm, có thể mổ nội soi hoặc mổ mở.
Phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ, trong độ tuổi mãn kinh nên định kỳ khám sản phụ khoa phát hiện, chẩn đoán và điều trị sớm các khối u bất thường, tránh để u phát triển kích thước lớn hoặc biến chứng ác tính ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng…