Trĩ ngoại có nguy cơ chuyển sang ung thư?
Gia đình tôi có người thân mắc trĩ ngoại, xin hỏi liệu bệnh có chuyển thành ung thư hay không? Hiện có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh này hay không, thưa bác sĩ? - Lã Thu Hằng (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Đáp: Về nguyên tắc, trĩ ngoại không có khả năng chuyển thành ung thư hậu môn trực tràng. Tuy nhiên, để khẳng định chắc chắn về tình trạng bệnh, bạn cần đưa người thân đi khám chuyên khoa để có thể chẩn đoán chính xác và tư vấn điều trị phù hợp.
Để điều trị bệnh trĩ, hiện có hai phương pháp là nội khoa và ngoại khoa. Trong điều trị ngoại khoa có các phương pháp khác nhau, như cắt búi trĩ trực tiếp theo các phương pháp Milligan - Morgan, Ferguson hay White heat.
Bên cạnh đó, còn có phương pháp phẫu thuật khâu treo triệt mạch trĩ theo phương pháp Longo. Phẫu thuật này dựa trên nguyên lý kéo búi trĩ trở lại vị trí bình thường, cắt và khâu phần mạch máu cung cấp làm búi trĩ co nhỏ lại. Vết cắt và khâu nằm trên vùng ít cảm giác của ống hậu môn, giúp bệnh nhân giảm đau đáng kể sau phẫu thuật. Ưu điểm của phương pháp Longo là sau phẫu thuật bệnh nhân có thể trở lại sinh hoạt bình thường sớm nhất. Thời gian nằm viện ngắn nhất (3 - 4 ngày, trường hợp đặc biệt có thể ra viện trong ngày). Bệnh nhân chỉ cần sử dụng thuốc giảm đau đường uống, chỉ cảm thấy sự khó chịu nhẹ ở vùng hậu môn.
Ngoài ra, phương pháp phẫu thuật khâu triệt mạch trĩ dưới hướng dẫn của siêu âm doppler (THD) được chỉ định cho trĩ nội từ độ I đến độ III. Mục đích là cắt nguồn động mạch chạy dưới niêm mạc đến các đám rối trĩ làm cho các búi trĩ teo nhỏ.
Bệnh trĩ là hậu quả của nhiều nguyên nhân và rất dễ tái phát, nên dù đã qua phẫu thuật thì vẫn có thể mắc lại. Nguyên nhân dẫn đến mắc bệnh trĩ thường thấy nhất là do táo bón, mang thai hay bệnh nghề nghiệp đặc thù, phải ngồi nhiều như nhân viên văn phòng, lái xe. Ngoài ra, người có bệnh nền và dùng các thuốc đặc thù cũng có thể gây nên bệnh trĩ.
Bệnh trĩ có tỷ lệ tái phát khá cao nên người bệnh cần chú ý loại bỏ nguyên nhân gây bệnh như táo bón, viêm đại tràng. Nên chú ý ăn nhiều chất xơ, uống đủ nước, không nhịn đại tiện, vận động thường xuyên.