1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Trẻ nhỏ dễ bị lõm sọ sau ngã

Mới chưa đầy 2 tuổi, cháu N.V.T. quê ở Hưng Yên phải vào Bệnh viện Nhi TƯ (Hà Nội) cấp cứu và có nguy cơ phải mổ vì bị lún sọ sau khi ngã.

Chị N.T.C, mẹ bé kể lại, hằng ngày, vợ chồng chị thường gửi con cho bà nội trông để đi làm. Chiều hôm đó, đi làm về, chị phát hiện đầu bé có một vết lún nhỏ bằng đồng xu.

 

Hỏi ra mới biết, do có việc bận, bà nội bé nhờ cô bé hàng xóm mới 9 tuổi trông giúp một lúc vào buổi trưa. Không hiểu cô bé bế em thế nào mà bị tuột tay, đánh rơi bé xuống đất.

 

Lo lắng cho sức khỏe của con, chị C. vội đưa con đến bệnh viện tỉnh và được các bác sĩ ở đây chuyển cấp cứu lên Bệnh viện Nhi TƯ. Qua thăm khám lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán, bé T. bị lõm sọ sau ngã và phải nằm lại Khoa Cấp cứu của bệnh viện để được theo dõi biến chứng và xử lý kịp thời.

 

Theo BS Thu Hương, Bệnh viện Nhi TƯ, lõm sọ là tổn thương nguyên phát hình thành sau những va chạm vào đầu gây tổn thương ở sọ và não.

 

Ở trẻ em, lõm sọ thường gặp ở trẻ còn bú hoặc mới chập chững. Vị trí lõm thường ở chỗ lồi của xương đỉnh, da thường nguyên vẹn và trông thấy lõm rất rõ. Nói chung, các tổn thương nguyên phát sau ngã như trên thường xử lý tương đối dễ. Trẻ bị lõm sọ thường được mổ để điều trị.

 

Chấn thương sọ não là loại tổn thương sau ngã, loại tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em. Nguyên nhân thường gặp là do ngã khi trèo cây, trượt ngã trên nền nhà ướt, ngã đập đầu vào cạnh bàn, tai nạn giao thông…

 

Ngoài lõm sọ, có thể gặp các tổn thương nứt sọ, tụ máu ngoài màng cứng…, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán chấn thương sọ não là X-quang, CT-scanner…, nhưng quan trọng nhất vẫn là theo dõi lâm sàng.

 

Vì vậy, sau khi ngã, trẻ cần được theo dõi chặt chẽ trong nhiều ngày, thậm chí là nhiều tuần. Nếu thấy trẻ có biểu hiện bất thường như: nôn, buồn nôn, sốt li bì…, cần khẩn trương đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. 

 

Theo Hà Giang

Tiền phong